(Báo Quảng Ngãi)- Qua tìm hiểu, tôi được biết, những nhạc cụ trình diễn của các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi hiện tại không chỉ được bảo tồn, mà còn được phát huy. Như sáo Tà Vố của người Hrê mà đại diện là Nghệ nhân nhân dân Đinh Ngọc Su, người đã từng mang sáo Tà Vố sang trình diễn tại Hàn Quốc, trước khi ông qua đời, ông đã kịp trao truyền cho nhiều thanh niên trong và ngoài xã Sơn Thượng (Sơn Hà). Số lượng nghệ nhân trẻ hiện nay thổi sáo Tà Vố ở huyện Sơn Hà khá nhiều và nghệ thuật trình diễn của họ cũng khá tốt.
Hay như kèn Amáp, một loại kèn hết sức độc đáo, ban đầu cứ nghĩ chỉ người Cor sở hữu kèn này. Nhưng hóa ra, người Ca Dong cũng dùng kèn Amáp, tên gọi cây kèn này cũng na ná như tên gọi của người Cor.
Phụ nữ dân tộc Cor thổi kèn Amáp. Ảnh: baodantoc.vn |
Khi tôi đưa đoàn nghệ nhân các dân tộc miền núi Quảng Ngãi sang biểu diễn tại Hàn Quốc năm 2009, thì kèn Amáp do 2 nữ nghệ nhân người Cor biểu diễn đã được các bạn Hàn Quốc vô cùng ngạc nhiên, thích thú. Họ gọi tiếng kèn Amáp là “âm nhạc của thiên đường”. Như thế đủ thấy, nghệ thuật các dân tộc miền núi Quảng Ngãi quý giá đến thế nào.
Khi chúng ta biết bảo tồn, biết phát huy và quan trọng hơn, biết tổ chức giới thiệu nghệ thuật các dân tộc miền núi Quảng Ngãi trong các cuộc liên hoan nghệ thuật của Việt Nam, nhất là đưa được nghệ thuật độc đáo này ra thế giới, thì đó là cách phát triển và giữ bản sắc tốt nhất cho nghệ thuật này.
Còn các điệu dân ca của dân tộc Cor, Hrê, Ca Dong, những điệu hát như phát ra từ cõi lòng sâu kín, từ trái tim của các nghệ nhân dân tộc thiểu số Quảng Ngãi đã hút hồn người nghe, những vốn quý ấy chúng ta phải biết giữ gìn, biết phát triển và lan tỏa. Một cuộc hội thảo chẳng qua chỉ là định hướng, còn muốn giữ gìn và phát triển nghệ thuật các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi, thì rất cần những việc làm cụ thể, tới tận các thôn, làng, tập hợp được các nghệ nhân trẻ, tổ chức trao truyền từng điệu hát, từng điệu nhạc, từng cách sử dụng trống, làm sao để thanh niên các dân tộc thích thú với nghệ thuật của dân tộc mình và biết thể hiện các nghệ thuật ấy trong cuộc sống hằng ngày.
Công việc cần rất nhiều thời gian và tâm huyết này không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện, mà còn ở cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để nghệ thuật các dân tộc không bị mai một, nhưng quan trọng hơn là được phát triển một cách bền vững, được hưởng ứng một cách rộng rãi.
Làm sao để lớp thanh niên các dân tộc thiểu số bây giờ yêu thích và thường xuyên thể hiện nghệ thuật dân tộc mình. Từ đó, sẽ có các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân làm đầu tàu bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202411/bao-ton-va-phat-trien-eaa1c04/