(Báo Quảng Ngãi)- Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã ra sức giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Đưa văn hóa truyền thống vào trường học
Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) THPT tỉnh hiện có gần 500 học sinh (HS) là con em của các DTTS Hrê, Cor, Ca Dong… Những năm qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, bảo tồn nét đẹp văn hóa của các dân tộc. Vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần, HS mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến lớp học. Các em HS nữ mặc váy áo thổ cẩm. Còn nam sinh mặc quần tây, áo trắng, phối thêm chiếc áo khoác truyền thống của dân tộc mình. Em Phạm Thị Hiền, HS lớp 10A2, người dân tộc Hrê chia sẻ, mỗi khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, em cảm thấy rất tự hào và vơi đi nỗi nhớ nhà khi đi học xa. Trang phục truyền thống thổ cẩm của dân tộc Hrê rất đẹp và duyên dáng, với họa tiết đa dạng, bắt mắt.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh biểu diễn múa truyền thống của đồng bào Hrê. |
Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh còn tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao định kỳ và tổ chức ngày hội Tết cổ truyền vào dịp cuối năm. Qua đó, tạo sân chơi, giúp HS có cơ hội giao lưu, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các dân tộc như trang phục truyền thống, ẩm thực, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc trưng… Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Bùi Thế Giới cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm giúp HS thêm yêu và tự hào về dân tộc mình, giáo dục các em ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, nhiều trường học ở các huyện miền núi triển khai cho HS mặc trang phục truyền thống từ 2 – 3 ngày/tuần; đồng thời đưa nội dung giáo dục về bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS vào những tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề, chủ điểm. Các trường tổ chức hoạt động biểu diễn, giới thiệu trang phục, ẩm thực của mỗi dân tộc, xây dựng câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống…
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh mặc trang phục truyền thống đến lớp. |
Trường Phổ thông DTNT THCS Sơn Tây (Sơn Tây) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian. Sau 3 năm thành lập, CLB đã phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong như: Lễ hội Cá Poa nêu (ăn lúa mới), Tết của người Ca Dong… Câu lạc bộ đã sưu tầm, trưng bày hàng trăm vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Ca Dong. Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, để có được những thành quả trên là cả quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm của nhà trường và sự giúp đỡ, truyền dạy của các nghệ nhân Ca Dong. Đến nay, nhiều HS đã biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống, biết đánh chiêng, hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình…
Gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Một số lễ hội dân gian, nghề truyền thống của các DTTS được khôi phục; các loại hình văn hóa – nghệ thuật phục hồi và phát huy, nhất là qua các cuộc thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc. Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các địa phương tổ chức phục dựng lễ hội cầu mưa của dân tộc Hrê tại xã Ba Thành (Ba Tơ); phục dựng trò chơi, trò diễn dân gian của dân tộc Cor ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng)… Đồng thời, duy trì tổ chức các hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa – thể thao các DTTS; liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, đàn và hát dân ca… Qua đó, góp phần phát huy các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm nay diễn ra từ ngày 18 – 21/4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Dịp này, Quảng Ngãi có 2 cá nhân là đồng bào DTTS tiêu biểu được biểu dương tại Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương, đó là nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An, ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) và nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây). |
Không chỉ các huyện miền núi, một số địa phương có đồng bào DTTS sinh sống cũng chú trọng triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch. Điển hình như huyện Nghĩa Hành, trong năm 2023 đã tổ chức lớp truyền dạy đánh chiêng ba và múa dân vũ truyền thống cho người dân Hrê ở xóm Đèo, xã Hành Dũng. Trưởng xóm Đèo Phạm Văn Xuân cho hay, từ khi địa phương mời các nghệ nhân về truyền dạy đánh chiêng, dạy múa, hát… người lớn, trẻ con trong làng rất phấn khởi. Nhiều thanh niên trước đây chưa quen với việc đánh chiêng, giờ các cháu đều được học và đã biết đánh chiêng ba. Xóm Đèo đã xây dựng đội văn nghệ và thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại địa phương. Ở xóm Đèo có điểm du lịch sinh thái Kalanui. Mỗi khi có đoàn du khách yêu cầu, đội văn nghệ múa, hát, đánh cồng chiêng phục vụ du khách.
Chị em phụ nữ Hrê ở xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) gói bánh lá truyền thống. |
Tại Khu du lịch sinh thái Suối Chí, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) và Khu du lịch Thác Trắng (Minh Long), vào các dịp lễ, Tết, các đơn vị phối hợp với các đoàn nghệ nhân ở các huyện Ba Tơ, Minh Long biểu diễn cồng chiêng, múa hát các làn điệu dân ca của đồng bào Hrê để phục vụ khách tham quan. Tại Khu du lịch Thác Trắng còn bố trí đội nhảy sạp với trang phục truyền thống của người Hrê để phục vụ du khách tham gia trải nghiệm.
“Những lần các đoàn nghệ nhân về biểu diễn cồng chiêng, du khách rất hào hứng. Đây là hoạt động nhằm đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút khách”, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Chí Nguyễn Hữu Hoa chia sẻ.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: