(Báo Quảng Ngãi)- Tại khu đất rộng của di tích đình Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) có một ngôi mộ đề tên ông Phạm Quang Quới. Ông là người tham gia nghĩa quân chống Pháp, bậc tiền hiền ở vùng đất này.
Ông Phạm Quang Quới quê làng Lạc Sơn, nay thuộc xã Bình Hòa (Bình Sơn). Ngày ấy, nghe có xứ Tuyền Tung đang lập chiến khu, chiêu mộ hương binh để sẵn sàng đánh Pháp, ông bèn tìm đến xin tham gia. Gia đình nghĩ là ông đã mất nên lập bàn thờ. Tuyền Tung là một thung lũng hình lòng chảo hoang vu, bốn bề vây bọc bởi núi cao, bấy giờ chỉ có đường mòn xuyên rừng rậm, nhiều cọp beo, rất nguy hiểm. Tại Tuyền Tung có đình Thọ An, cổng đình giống như cổng thành, có bờ đá bao quanh, đứng giữa khu gò đất nổi lên giữa thung lũng, gọi là vườn đình, rộng ước chừng vài ba héc ta. Đình Thọ An là nơi các thủ lĩnh hương binh hội họp, chỉ huy nghĩa binh tập luyện võ nghệ và khai phá đất đai, tích trữ lương thảo. Ông Quới gia nhập hương binh, được phong làm cai đội, chỉ huy một tốp quân, nên thường gọi là Đội Quới.
Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, ngày 13/7/1885, từ căn cứ Tuyền Tung, đình Thọ An, các thủ lĩnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân dẫn 3.000 hương binh Bình Sơn kéo về đánh chiếm thành Quảng Ngãi, ông Quới nằm trong đội quân ấy. Lực lượng khởi nghĩa đã chiếm được thành, bắt giữ bọn quan lại tay sai. Nhưng chỉ 6 ngày sau, do sự phản bội của Nguyễn Thân, các thủ lĩnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân cùng nhiều thủ lĩnh nghĩa quân khác bị bắt, bị giết hại dã man. Đội Quới trốn được, chạy về Tuyền Tung mai danh ẩn tích. Ông xây dựng gia đình với một người phụ nữ trong vùng. Ông chiêu tập người dân lên khai phá Tuyền Tung – thuở đó là vùng rừng thiêng, nước độc, và lập ra làng xóm, trở thành Tiền hiền của làng. Ông trồng rất nhiều chè trên núi, người buôn từ dưới xuôi lên mua chè gánh về bán.
Phần mộ ông Đội Quới và di tích đình Thọ An. |
Bấy giờ đất nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ, thực dân và phong kiến bù nhìn ra sức đàn áp các cuộc khởi nghĩa, nên Đội Quới tuyệt đối bí mật tung tích của mình. Ông không dám về lại quê, thậm chí không dám dò hỏi tình hình ở quê nhà ra sao. Bẵng đi hàng chục năm, một hôm có người buôn gánh chè đến gia đình người cha của ông Đội Quới ở Lạc Sơn đúng vào lúc ông cha đang làm giỗ Đội Quới. Cha Đội Quới bèn mời người buôn chè dự giỗ. Tại đám giỗ, ông cha kể về đứa con đã mất tích hàng chục năm của mình. Người buôn chè nghe được, liền hỏi đặc điểm của người con. Ông cha kể xong, người buôn chè ghé tai nói nhỏ là con của ông còn sống.
Người cha mừng rỡ, nhưng từ Lạc Sơn lên tới Tuyền Tung phải đi bộ cả ngày đường mới tới nơi, mà ông thì đã quá già, bèn bảo người con trai thứ đi tìm anh. Người con trai thứ cưỡi ngựa lặn lội lên Tuyền Tung, anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đội Quới quyết định ở lập nghiệp luôn tại Tuyền Tung mà không về quê. Ông không có con, nên khi về già ông gọi con cháu ở quê lên Tuyền Tung để ông cho đất đai vườn tược. Nhưng Tuyền Tung quá xa xôi cách trở, không ai muốn lên nhận. Ông bèn giao lại toàn bộ cơ ngơi của mình cho làng. Ông mất, được mai táng ngay ở vườn đình Thọ An. Người Thọ An hằng năm tổ chức giỗ ông Tiền hiền đều về Lạc Sơn mời họ Phạm lên dự. Người họ Phạm lên Thọ An dự giỗ phải mất đến 3 ngày, một ngày ở, hai ngày cuốc bộ đi và về. Họ Phạm ở Lạc Sơn hằng năm lặn lội lên Thọ An để tảo mộ ông Đội Quới.
Mãi đến năm 1964, vùng Thọ An giải phóng, người họ Phạm là ông Phạm Thành Đồng cũng từ việc đi tảo mộ ở đây mà liên lạc với cách mạng và thoát ly. Chiến tranh ác liệt, đình làng đổ nát. Đến sau năm 1975, quanh đình trở thành rừng cây cổ thụ, người đi tìm mộ ông Đội Quới phải rong gai góc cây cỏ mới tìm thấy. Đây là phần mộ duy nhất của khu đất, bấy giờ được xây dựng bằng vôi. Năm 1992, bia mộ ông Đội Quới được người cháu gọi bằng ông cố thúc là Phạm Trung Trường xây dựng lại. Cho đến nay trong rừng Thọ An có những cây chè cổ thụ, người dân địa phương bảo đó là di sản từ thời ông Đội Quới khai phá lập nghiệp để lại.
Bài, ảnh: CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202502/chuyen-ong-doi-quoi-b0c1a92/