(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nhiệm vụ đặt ra để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 là cần đổi mới hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư; huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực quan trọng trên địa bàn. Đồng thời, chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới…
Quyết định số 1320/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 1/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, cơ sở quan trọng để tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành những mục tiêu trong quy hoạch.
Nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, Quảng Ngãi phát triển dựa trên lợi thế về vị trí, vai trò, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội phù hợp theo định hướng phát triển hạ tầng, liên kết vùng và liên kết thị trường. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, tận dụng triệt để các tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế. Ảnh: BẢO HÒA |
Thời gian đến, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, lĩnh vực GTVT có các dự án: Cảng hàng không Lý Sơn; Đường cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum; đầu tư xây dựng một số bến thủy nội địa, cầu; hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất… Lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng KKT, KCN, cụm công nghiệp, ưu tiên kêu gọi các dự án: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm dầu khí; công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng công nghệ cao và thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, cụm công nghiệp; đầu tư, mở rộng các kho chứa các sản phẩm lọc hóa dầu; công nghiệp sản xuất điện như nhiệt điện khí, điện gió, thủy điện, điện sinh khối, điện rác… Trong quá trình thực hiện, tỉnh căn cứ các quy hoạch đã được duyệt để xác định vị trí, quy mô, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án đảm bảo phù hợp nhu cầu, khả năng cân đối, huy động nguồn lực đầu tư của từng giai đoạn, thực tiễn của địa phương. |
Để nâng cao đời sống người dân, bên cạnh các chính sách từ Nhà nước, cần có sự chung tay giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho người dân từ cộng đồng, doanh nghiệp. Theo thống kê, lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã giải quyết việc làm cho 74 nghìn lao động. Nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người dân, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có ý nghĩa quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các chính sách, giải pháp để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư theo phương châm “nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng”.
Trong thời gian đến, để tạo đòn bẩy thu hút mạnh mẽ các dự án, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư, triển khai dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách trong lĩnh vực hạ tầng sẽ góp phần giúp tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Đổi mới xúc tiến đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng để Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án và đi vào hoạt động. Cần tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan đầu mối xúc tiến đầu tư của tỉnh; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng phạm vi xúc tiến đầu tư cả về chiều rộng, chiều sâu để thu hút các dự án đầu tư lớn, phục vụ các ngành, lĩnh vực trong định hướng phát triển của tỉnh. Xây dựng Đề án ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, có thương hiệu vào tỉnh; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hợp tác công, tư và các hình thức khác. Đặc biệt, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… qua đó tranh thủ kêu gọi các đối tác đầu tư nước ngoài.
Thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển tại KKT Dung Quất. Ảnh: MINH THU |
Để phát triển nhanh và bền vững, thời gian đến, Quảng Ngãi chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia.
Theo đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, đầu tư ổn định, lâu dài vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; ngành công nghiệp có lợi thế; dịch vụ, thương mại – du lịch; kinh tế biển; hạ tầng đô thị, nông thôn… Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, tỉnh đẩy mạnh chính sách thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư hiện đại hóa cơ sở GD&ĐT ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Khuyến khích khu vực ngoài công lập đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GD&ĐT, đào tạo nghề với doanh nghiệp sử dụng lao động. Khuyến khích lao động tham gia học nghề, kết nối thông tin thị trường lao động, hệ thống dữ liệu liên thông với các địa phương, hình thành và phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Ngoài ra, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tổ chức tốt hoạt động quản lý môi trường trong các KCN, cụm công nghiệp và làng nghề… để góp phần phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
H.THẢO – T.VIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202411/thu-hut-cac-nguon-luccho-dau-tu-phat-trien-4cf1738/