Quảng Ngãi có hơn 4.700 tàu cá, trong đó hơn 3.000 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động ở vùng khơi; tổng số lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên biển khoảng 37 nghìn người. Các tàu công suất lớn có trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi ngư dân phải có trình độ để khai thác hiệu quả.
Ngư dân Ngô Văn Công, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), vừa học xong lớp đào tạo thuyền trưởng. |
Trên thực tế, hầu hết ngư dân đánh bắt trên biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống từ cha ông. Nhiều ngư dân chưa được trang bị kiến thức cơ bản về thuyền trưởng, máy trưởng và chưa cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến biển và hàng hải. Đây cũng là nguyên nhân và hạn chế trong việc phát triển ngành khai thác thủy sản của tỉnh.
Không chỉ tàu lớn, với tàu cá có chiều dài từ 6 – 12m hoạt động đánh bắt ven bờ muốn ra khơi cũng phải đáp ứng quy định có ít nhất một thuyền trưởng tàu cá hạng III và ít nhất một thuyền viên. Điều này được quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về thuyền viên tàu cá và tàu công vụ thủy sản.
Ngư dân Ngô Văn Công, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) với hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển, gần đây đã đăng ký học lớp thuyền trưởng. “Tàu tôi nhỏ, chuyên hoạt động gần bờ, đi biển chiều hôm trước đến sáng hôm sau về, nên trước đây tôi không quan tâm đến việc học lớp thuyền trưởng. Tuy nhiên, bây giờ tôi cảm thấy cần thiết phải có chứng chỉ thuyền trưởng để tàu có thể ra khơi, vì vậy tôi đã đăng ký học. Khóa học diễn ra 7 ngày (4 ngày lý thuyết và 3 ngày thực hành – PV), tôi đã học được nhiều kiến thức về xử lý tình huống trong quá trình hành nghề trên biển.
Ngoài việc dạy cách điều khiển tàu vỏ gỗ, các giảng viên còn truyền đạt kỹ năng lái tàu vỏ thép. Tôi đã thi đậu và chỉ chờ lấy chứng chỉ. Vậy là trong chuyến biển tới, tôi hoàn toàn yên tâm vươn khơi”, ngư dân Công chia sẻ. Trên mỗi tàu lớn, ngoài thuyền trưởng, vị trí máy trưởng cũng rất quan trọng. Bởi khi ra khơi, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì trước những diễn biến bất thường của thời tiết và thiên tai, tàu có thể gặp trục trặc và không thể tự xử lý, sửa chữa. Do đó, việc đào tạo nghề cho người lao động trên biển là cực kỳ cần thiết.
Ngư dân Nguyễn Văn Vầy, ở phường Phổ Quang vừa hoàn thành khóa học máy trưởng cho biết, nhờ được đào tạo kỹ lưỡng, anh hiểu sâu hơn về các bộ phận cấu tạo của máy tàu, biết chi tiết nào sắp hỏng và có thể tự sửa chữa những hỏng hóc của máy, giúp anh tự tin hơn trong các chuyến đi biển dài ngày. Anh Vầy đã nhận được chứng chỉ máy trưởng tàu cá và hiện đang làm máy trưởng trên tàu đánh bắt xa bờ dài 16m, công suất hơn 400CV.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Phổ Quang đã phối hợp cùng chính quyền địa phương lập danh sách ngư dân có nhu cầu học chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Sau khi đủ số lượng học viên, Đồn Biên phòng Phổ Quang đã liên hệ với Trường Cao đẳng cơ giới và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ – Cơ sở TP.Hồ Chí Minh để mở lớp đào tạo. Trong đó, lớp thuyền trưởng có 67 học viên và lớp máy trưởng có 35 học viên.
Trung tá Phạm Lợi – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phổ Quang cho biết, việc mở các lớp đào tạo này sẽ giúp ngư dân có đủ trình độ và chứng chỉ để vươn khơi. Qua khóa học, ngư dân được truyền đạt nhiều kiến thức và kinh nghiệm khai thác cũng như các kỹ năng cần thiết để phòng tránh rủi ro trên biển, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác. Ngoài ra, các học viên còn được bổ sung kiến thức pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản và được tuyên truyền về các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ để mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho ngư dân.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202411/dao-tao-thuyen-truong-may-truong-cho-ngu-dan-50f178a/