TPO – Sau gần 2 năm triển khai thi công, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn hiện nhà thầu đã huy động hơn 4.000 nhân sự và 1.750 máy móc thiết bị, triển khai 50 mũi thi công trên toàn tuyến. Sản lượng đạt gần 6.400 tỷ đồng tương ứng 47% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, mặt bằng trên tuyến vẫn chưa sạch, một số vị trí vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
TPO – Sau gần 2 năm triển khai thi công, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn hiện nhà thầu đã huy động hơn 4.000 nhân sự và 1.750 máy móc thiết bị, triển khai 50 mũi thi công trên toàn tuyến. Sản lượng đạt gần 6.400 tỷ đồng tương ứng 47% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, mặt bằng trên tuyến vẫn chưa sạch, một số vị trí vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Vướng công trình hạ tầng
Mặc dù trong thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực vào cuộc giải phóng mặt bằng (GPMB) và cơ bản bàn giao mặt bằng tuyến chính cho nhà thầu thi công. Tuy vậy, dọc theo tuyến vẫn còn nhiều điểm vướng mắc cản trở công tác thi công dự án và tiến độ chung của dự án.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, công tác GPMB nhiều vị trí chưa đồng bộ, không liên tục. Do chưa có bảng giá đất năm 2024 nên chưa thể áp giá, chưa có phương án bồi thường. Bên cạnh đó còn tồn tại một số vị trí nằm trong ranh quy hoạch ban đầu, khi nhà thầu tiếp cận thì người dân vẫn chưa đồng tình cho triển khai thi công.
Ngoài ra, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện trung thế, hạ thế, đường dây viễn thông còn chậm, đặc biệt trên tuyến còn một số điểm chưa được di dời, chủ yếu tại các vị trí thi công cầu, hầm chui dân sinh. Hiện trên tuyến vẫn còn 6 vị trí vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm: Đường điện 22kV và 0,4kV, cáp viễn thông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch trên địa bàn các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức.
Vướng hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng quá trình thi công. |
Đại diện nhà thầu Dacinco cho biết, trụ điện nằm giữa tuyến chính thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) nên máy móc không thể tiếp cận thực địa, gây khó khăn trong việc thi công. Thậm chí, một số vị trí đất đã đắp lên đến phạm vi mất an toàn về thi công nên các thiết bị thi công không thể tham gia để triển khai.
Trước những bất cập trên, Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các bên liên quan thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và sớm ban hành đơn giá đất năm 2024 để thu hồi bàn giao mặt bằng đối với phần diện tích điều chỉnh, bổ sung cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ.
Tập trung tháo gỡ
Đại diện Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho hay, việc chậm trễ di dời là do chính quyền địa phương và đơn vị chịu trách nhiệm về công tác GPMB chưa bố trí được mặt bằng để di dời. Các đơn vị này phải bố trí được mặt bằng, xác định được vị trí di dời thì ngành điện mới bắt tay di dời hệ thống trụ, đường dây được.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng cho biết, hiện các nhà thầu đang tập trung gia cố nền đường, thảm nhựa. Tuy nhiên, toàn tuyến vẫn còn 6 vị trí vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
“Với một số điểm vướng hạ tầng kỹ thuật trên tuyến chính còn tồn tại, đơn vị đã và đang phối hợp với chủ đầu tư điều chỉnh phần thiết kế bổ sung để có vị trí di dời. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị và địa phương liên quan để sớm di dời các trụ điện, dây hạ thế cũng như hệ thống cấp nước sạch ra khỏi tuyến chính nhằm đảm bảo mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công”, ông Dụng nói.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đưa dự án “về đích” sớm hơn kế hoạch đề ra. |
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – chia sẻ, về cơ bản mặt bằng tuyến chính dự án đã được tỉnh Quảng Ngãi bàn giao để các đơn vị triển khai thi công. Tuy vậy, những vướng mắc cụ thể trên tuyến như đường điện, cáp quang, cấp nước… khiến công tác thi công công trình không liên tục.
Theo ông Huy, đơn vị hy vọng các cam kết của địa phương sẽ thực hiện đúng, để bàn giao mặt bằng đầy đủ cho nhà thầu trong năm nay, làm cơ sở để hoàn thiện những hạng mục còn lại của phần nền đường, đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo mục tiêu hoàn thành công trình như phát động của Thủ tướng cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc
“Hiện nay, nhà thầu đã huy động hơn 4.000 nhân sự và 1.750 máy móc thiết bị, triển khai 50 mũi thi công trên toàn tuyến. Sản lượng đạt gần 6.400 tỷ đồng tương ứng 47% giá trị hợp đồng”, ông Huy nói thêm.
Nhà thầu đang tích cực triển khai thi công. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị và địa phương liên quan phối hợp đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật để đơn vị thi công triển khai thi công công trình đúng tiến độ. Không để vướng mắc về mặt bằng làm ảnh hưởng đến công trình trọng điểm quốc gia.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025), đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam.
Dự án có chiều dài 88 km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7 km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III năm 2026.