(Báo Quảng Ngãi)- Mềm mại, duyên dáng và tinh tế, những họa tiết trang trí được làm bằng sắt ở nhiều công trình xưa trên đất Quảng Ngãi vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Đó là dấu ấn xu hướng kiến trúc một thời và là minh chứng của sự giao thoa của văn hóa Việt Nam với phương Tây.
Giao thoa văn hóa
Nếu như ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, từ những năm đầu của thế kỷ XX, đã có nhiều trụ sở cơ quan, trường học lẫn tư gia sử dụng các chi tiết sắt uốn mỹ nghệ phục vụ trang trí trong kiến trúc, thì tại Quảng Ngãi, xu hướng sử dụng sắt mỹ nghệ trong kiến trúc phần lớn chỉ xuất hiện ở các tư gia. Xu hướng kiến trúc này được xem là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây. Bởi trước đó, người Việt Nam nói chung và người Quảng Ngãi nói riêng không có truyền thống ứng dụng vật liệu sắt trong kiến trúc.
Một ngôi nhà trên đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) vẫn giữ lại ô cửa sắt ngày xưa. |
Về điều này, trong sách “Song xưa phố cũ”, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế khẳng định rằng: “Người Việt trong quá khứ thường trọng văn chương, coi khinh buôn bán và cũng coi thường thợ thủ công. Mà trong các hạng nghề thủ công thì đam quai búa lò bễ luôn là hạng bét, dẫu rằng ở một đất nước thuần nông như Việt Nam, họ làm ra công cụ sản xuất… Do truyền thống kiến trúc không sử dụng sắt thép, nên đương nhiên người Việt Nam phải học những kinh nghiệm này từ phương Tây… Có lẽ, phải tới khoảng năm 1910 trở đi, thì người Việt mới bắt đầu làm quen với những kỹ thuật và thẩm mỹ chế tác ra những cánh cổng có chấn song hoa sắt…”.
Quy trình kỹ thuật làm cửa sắt hoa hay hàng rào để đảm bảo mỹ thuật nhất thiết phải qua quy trình rèn qua nhiệt. Thời bấy giờ chưa có công nghệ hàn nên tán đinh rivê đòi hỏi người thợ phải đo đạc kỹ lưỡng. Các thanh sắt lắp lại với nhau như lắp mộng rồi tán bằng đinh rivê cố định, mài dũa sơn phủ là công đoạn cuối cùng. Song, dù không có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, nhưng các họa tiết trang trí bằng sắt trên các công trình kiến trúc ngày trước vẫn rất mềm mại, tinh tế.
Hoài niệm
Tiếp thu văn hóa mới, ứng dụng vật liệu sắt vào trong trang trí, song, người Quảng Ngãi ngày trước không sao chép nguyên xi các hoa văn, họa tiết theo phong cách phương Tây, mà lồng ghép hài hòa những đồ án trang trí truyền thống. Những họa tiết hình chữ vạn, mang ý nghĩa mong ước sống lâu, phúc đức đủ đầy, viên mãn; hay những hoạt tiết hình hoa mai, lá trúc và mô típ thuyền và biển thường được người Quảng Ngãi ngày trước ứng dụng trang trí cửa sắt.
Ô cửa sắt được làm cách đây gần 50 năm của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Vân, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). |
Bên khung cửa sổ có các họa tiết làm từ sắt khá sinh động, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) sẻ chia, ô cửa này được làm từ cách đây gần 50 năm. Nhà tôi nằm sát biển, có truyền thống làm ngư dân, vì vậy, cửa sổ nhà tôi được trang trí theo mô típ thuyền và biển. Cha chồng tôi kể lại rằng, mô típ trang trí này từng rất thịnh. Những năm 80 của thế kỷ trước, hầu như nhà nào ở đây cũng làm cửa sổ như thế này. Sau này, khi làm lại nhà mới, người ta dần bỏ hết những khung cửa cũ, chỉ còn nhà tôi và một số ít nhà khác còn giữ lại đến ngày nay.
Nằm ở một trong những tuyến phố sầm uất nhất của TP.Quảng Ngãi, một ngôi nhà 3 tầng tọa lạc trên đường Lê Trung Đình dù đã xây mới, nhưng gia chủ vẫn giữa lại ô cửa sổ với họa tiết thuyền và biển bên hông nhà. Trải qua thăng trầm của thời gian, ô cửa sắt dù đã hoen rỉ, nhưng vẫn khiến nhiều người thán phục trước tài nghệ của những người thợ làm sắt ngày trước. Các chi tiết trang trí hình sóng biển, mặt trời, thuyền đang lướt trên sóng… dù được làm thủ công, nhưng từng đường nét đều rất mềm mại, tinh tế và sống động.
Từng được ứng dụng nhiều trong kiến trúc, nhưng dần dà về sau, các họa tiết trang trí mang đậm chất truyền thống trên cửa sắt dần thưa vắng. Bây giờ, dù người Quảng Ngãi vẫn chuộng làm cửa nhà bằng vật liệu sắt, nhưng các họa tiết trang trí trên đấy phần lớn đều mang tính rập khuôn vì được sản xuất hàng loạt bằng các trang thiết bị hiện đại. Những cánh cửa sắt với họa tiết trang trí mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, được làm thủ công đẹp, tinh xảo, hài hòa… giờ chỉ là ký ức của một thời.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202409/o-cua-sat-ngay-xua-b61195b/