(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Quảng Ngãi luôn được trung ương quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, bộ mặt đô thị, nông thôn Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc.
Hình thành chuỗi đô thị
Tại cửa ngõ phía nam của tỉnh, năm 2020, huyện Đức Phổ được công nhận là thị xã. Trong 4 năm qua, chính quyền và nhân dân thị xã đã đồng lòng xây dựng, hoàn thiện nhiều tiêu chí của đô thị loại IV, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, TX.Đức Phổ đã lập và phê duyệt quy hoạch đô thị khu vực trung tâm lõi; trong đó xác định các quy hoạch đô thị động lực, vệ tinh là đô thị Sa Huỳnh và các vùng trung tâm thị xã.
Đô thị trung tâm thị xã Đức Phổ. Ảnh: THANH NHỊ |
Bí thư Thị ủy Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, mục tiêu đặt ra trong xây dựng đô thị là từng bước xây dựng thị xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, hướng đến xây dựng đô thị loại III và từng bước thực hiện mục tiêu hướng tới đô thị sinh thái, thông minh trong giai đoạn 2031 – 2035. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thị xã sẽ kết hợp nguồn lực ngân sách với nguồn lực ngoài ngân sách và nguồn lực trong dân. Hiện tại, Đức Phổ đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng thoát nước ở khu vực trung tâm thị xã, với kinh phí gần 200 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu của tiến trình nâng cấp hạ tầng đô thị.
Trong giai đoạn 2013 – 2023, thị xã đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng để xây dựng các công trình đô thị. Kết hợp nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách (khoảng hơn 310 tỷ đồng), thị xã đã đầu tư xây dựng cầu Thạnh Đức, nhà máy nước sinh hoạt Sa Huỳnh, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, đồng thời hoàn thiện tiêu chí đô thị tại phường Phổ Thạnh.
Tại cửa ngõ phía bắc của tỉnh, huyện Bình Sơn đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí đô thị để đưa huyện trở thành thị xã vào năm 2025. Trước mắt, năm 2024, huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Hiện nay, huyện đang triển khai các bước để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng bám sát các tiêu chí về nông thôn mới, tích hợp đồng bộ với tiêu chí đô thị loại IV và phát triển thành thị xã. Huyện đang tập trung triển khai mở rộng, nâng cấp các tuyến đường đô thị vùng trung tâm lõi, để hoàn thiện, kết nối hệ thống giao thông, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khu dân cư, khu đô thị trong vùng, nhất là các khu tái định cư quy mô lớn, đầu tư từ vốn ngân sách để hình thành các khu vực dân cư đô thị tập trung.
Huyện Tư Nghĩa cũng đặt ra quyết tâm phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030. Mục tiêu này trở thành hiện thực thì đây là thị xã thứ 3 trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Qua rà soát và đánh giá sơ bộ, hiện tại huyện Tư Nghĩa cơ bản đạt số điểm tối thiểu để đạt tiêu chí trở thành thị xã theo phân cấp đô thị hiện hành. Trong đó, có 30/49 tiêu chí đô thị loại IV, còn 8 tiêu chí đạt thấp và 11 tiêu chí chưa đạt.
Đổi thay ở khu đông Mộ Đức
Khu đông huyện Mộ Đức là nơi bị bom đạn cày xới, nhưng nay đã đổi thay rất nhiều. Con đường từ Quốc lộ 1 dẫn về xã Đức Phong được bê tông xi măng. Dọc theo bờ biển là hồ nuôi cá, nuôi tôm và rừng dương xanh thẳm.
Theo các vị cao niên ở Tân An, ngày 22/6/1966, quân đội Mỹ từ ngoài biển nã pháo vào bờ đã gây nên vụ thảm sát Tân An cướp đi sinh mạng của 100 ngư dân xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Riêng Đức Phong có 49 người mất, 39 người bị thương. Dẫu vậy, người dân khu đông Mộ Đức vẫn kiên cường bám trụ, góp sức mình vào cuộc kháng chiến và công cuộc kiến thiết quê hương sau ngày giải phóng.
Trồng rau màu ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Ảnh: ÁNH NGUYỆT |
Rời xóm Mù U, xã Đức Phong, chúng tôi về xã Đức Thạnh và thăm rừng Nà. Người dân địa phương cho hay, rừng Nà khá rộng, khoảng 20ha, trải dài qua các thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam. Nơi đây được huyện chọn làm căn cứ để bộ đội, du kích vùng đông hoạt động, chống càn. Những năm đó, người dân đã tiếp tế, chung lưng đấu cật với bộ đội, lập nên nhiều chiến công. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đảng bộ và nhân dân các xã khu đông Mộ Đức tiếp tục đồng lòng, chung sức dựng xây cuộc sống mới.
Anh Nguyễn Hưng, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển xã Đức Phong có những năm mang lại nguồn thu lớn, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, nhiều gia đình trở nên khá giả. Thời gian sau đó, tôm bị dịch bệnh, người dân đã chủ động chuyển sang nuôi ốc hương kết hợp với tôm thẻ chân trắng, hoặc nuôi cá măng, cá dìa.
Mộ Đức mùa lúa chín. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Còn trên vùng cát trắng Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh, nhiều năm qua, sau khi được huyện đầu tư xây dựng đường giao thông, kéo điện hạ thế, người dân nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh (Mộ Đức) Nguyễn Xuân Thái cho biết, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã giúp nông dân thuận lợi trong trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Cuộc sống ngày càng khấm khá.
Người dân khu đông Mộ Đức vui vì tỉnh đầu tư cải tạo dòng sông Thoa để tiêu thoát lũ, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để nước Thạch Nham đưa về các cánh đồng. Tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh đã và đang hình thành, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế- xã hội và góp phần thay đổi diện mạo khu đông huyện Mộ Đức.
NHỊ NGUYỆT
TIN, BÀI LIÊN QUAN: