Người dân ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đang tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng, quảng bá ẩm thực địa phương. Nhiều du khách, học sinh đến đây đã có những trải nghiệm thú vị khi được tự tay làm và thưởng thức những món ăn dân dã, truyền thống ở địa phương.
Ẩm thực đồng quê là một trong những điểm nhấn để níu chân khách du lịch đến với thôn Bình Thành. Những ngày cuối tháng 3, rất nhiều đoàn học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh đã đến với vùng quê yên bình này để tìm hiểu về ẩm thực truyền thống.
Hơn 100 học sinh đến từ Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) tỏ ra thích thú khi được xem và tự tay làm các món bánh với nguyên liệu chủ yếu từ gạo, nếp gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Bà Trần Thị Nhơn vui vẻ chỉ cho các cháu nhỏ cách làm món bánh xèo.
“Bánh xèo làm từ gạo, thịt… được đúc trên khuôn gang, bếp lửa củi. Món ăn này quen thuộc với người dân Quảng Ngãi, nhưng các cháu nhỏ lại chưa có trải nghiệm tự tay mình đúc bánh, nên cháu nào cũng hào hứng khi tự tay làm”, bà Nhơn cho biết.
Bánh vừa chín được đặt trên miếng lá chuối xanh làm cho các em học sinh vô cùng háo hức, mong chờ thưởng thức món bánh xèo mà chính tay mình làm ra. Em Phạm Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 4C Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ chia sẻ, con thực sự rất thích cái cảm giác được tự tay đúc bánh và ăn chiếc bánh xèo ấy. Con đã nhiều lần ăn bánh xèo trước đây, nhưng chưa bao giờ có được trải nghiệm thú vị như vậy.
Ngoài việc trải nghiệm đúc bánh xèo, du khách và các học sinh khi đến thôn Bình Thành còn được hướng dẫn làm các món bánh truyền thống như: Bánh ít lá gai, bánh ướt, bánh xu xuê…
Lần đầu tiên được tham gia trải nghiệm làm bánh ít, em Hồ Cẩm Viên, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ hào hứng nói, thật vui khi con có thể tự tay làm cho mình một chiếc bánh ít xinh xắn từ lá gai, nhân đậu, mè và lá chuối. Làm bánh ít tuy đơn giản nhưng cần có sự tập trung cao. Chúng con đã nghe cô hướng dẫn và trau chuốt những chi tiết nhỏ để tạo nên một chiếc bánh đẹp.
Bà Hồ Thị Thiếp vừa hướng dẫn các em học sinh làm bánh ít vừa chia sẻ, bánh ít lá gai với lớp lá chuối bao bọc, hình chóp dài. Chiếc bánh mở ra có hương thơm nhẹ nhàng của đậu xanh, mè kết hợp với mùi lá gai. Với màu đen tuyền, bánh trông mịn màng và cảm nhận được độ dẻo dính.
Chiếc bánh ít lá gai, mặc dù giản dị, nhưng lại chứa đựng bao công sức và kiên trì từ người làm nó. Đây là một trong những món bánh truyền thống, mang đến sự đa dạng và phong phú cho ẩm thực. Nó cũng là nét đẹp cần được bảo tồn và phát huy trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.
“Để tạo ra một chiếc bánh ít lá gai, quá trình làm vỏ bánh là quan trọng. Lựa chọn gạo nếp mới, xay ướt, giã cùng lá gai. Đậu xanh hấp chín rồi giã nhuyễn, dừa chọn quả già, kết hợp với gừng và đường tạo nên hương vị độc đáo và thơm ngon. Sau khi hoàn thiện, nhân để nguội và vo lại thành những viên nhỏ hình tròn”, bà Thiếp cho hay.
Nguyên liệu làm các món bánh truyền thống khá đơn giản. Nhưng cách thức gói bánh, nấu bánh lại đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay, rèn luyện tính thẩm mỹ, hay kỹ năng pha màu, nhào bột… Cũng đều làm ra từ những loại nông sản quen thuộc, nhưng mỗi loại bánh lại có mùi vị riêng biệt và ẩn chứa những câu chuyện riêng.
Các em học sinh vừa làm bánh, vừa được nghe người dân địa phương kể những câu chuyện về cuộc sống nông thôn ở làng quê Bình Thành. Khuôn mặt các em mướt mồ hôi nhưng lại tràn ngập niềm vui khi hoàn thành xong một chiếc bánh. Hoạt động này đã đem lại sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút nhiều học sinh chăm chú tham gia.
Chị Đỗ Thị Thương, chủ bếp bánh cô Thương ở làng du lịch cộng đồng Bình Thành chia sẻ, hoạt động trải nghiệm này đã góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến các em học sinh sự đa dạng các loại bánh truyền thống. Đây đều là những sản phẩm gắn bó với tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn.
Chị Thương hướng dẫn các em nhỏ làm bánh xu xuê.
“Chúng tôi thu hút du khách bằng những món ẩm thực truyền thống. Trải nghiệm làm bánh sẽ giúp các em học sinh thỏa sức sáng tạo và có những kiến thức về ẩm thực truyền thống của Quảng Ngãi”, chị Thương bày tỏ.
T.PHƯƠNG – T.NHÀN