(Báo Quảng Ngãi)- Với phương châm hoạt động: “Uy tín – an toàn – hiệu quả”, những năm qua, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm thành viên trên địa bàn thành phố khi có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Dư nợ hơn 100 tỷ đồng
Đóng chân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, chịu áp lực cạnh tranh bởi các chi nhánh ngân hàng thương mại, nhưng 25 năm qua, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo vẫn tồn tại và phát triển nhờ có hướng đi riêng. Hiện Quỹ TDND Trần Hưng Đạo có quy mô lớn nhất trong 13 quỹ TDND đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 7/2023, tổng nguồn vốn huy động của quỹ đạt hơn 101 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của quỹ trên 100 tỷ đồng; trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 70%, cho vay trung, dài hạn khoảng 30%. Nguồn vốn cho vay chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh dịch vụ và tiêu dùng.
Khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi). |
Quỹ TDND Trần Hưng Đạo hoạt động trên địa bàn liên phường gồm: Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Phú và Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Bên cạnh trụ sở ở phường Trần Hưng Đạo, quỹ còn có 1 phòng giao dịch tại phường Trần Phú. Hiện nay, quỹ có hơn 880 thành viên đang có giao dịch.
Không chỉ làm tốt công tác cho vay vốn, quỹ TDND Trần Hưng Đạo còn thực hiện hiệu quả việc huy động tiền gửi, tạo nguồn lực tại chỗ để cho khách hàng vay. Thường xuyên nâng cao uy tín của Quỹ đối với khách hàng bằng thái độ phục vụ và tác phong chuyên nghiệp, thân thiện khi giao dịch của đội ngũ cán bộ tín dụng và nhân viên giao dịch tại quầy. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền mặt để thanh toán kịp thời tiền gốc, tiền lãi khi khách hàng có nhu cầu, tạo lập uy tín với khách hàng gửi tiền.
Giám đốc Quỹ TDND Trần Hưng Đạo Cao Văn Tình cho biết, một trong những thuận lợi của khách hàng khi đến vay vốn tại quỹ là không tốn phí thẩm định hồ sơ, không bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Đặc biệt, khách hàng trả nợ trước hạn không bị phạt như vay vốn tại ngân hàng thương mại. Hiện mức cho vay cao nhất của quỹ đối với khách hàng cá nhân là 1,2 tỷ đồng. Với nhóm khách hàng, mức cho vay tối đa lên đến 2 tỷ đồng. Đối với những khoản vay từ 10 triệu đồng trở lên đều có tài sản thế chấp.
Nâng cao năng lực hoạt động
Theo ông Cao Văn Tình, trước yêu cầu ngày càng cao về hoạt động tín dụng, cho vay, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo luôn coi trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của quỹ. Hằng năm, quỹ đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Bên cạnh đó, tại cuộc họp định kỳ hằng tháng, những khó khăn trong quá trình hoạt động được bàn bạc và đề ra phương án tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu lãi suất theo quy định, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn khó đòi. Nhờ đó, công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giao dịch với khách hàng được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của khách hàng.
Đến nay, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo đã xây dựng hoàn thành phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu, giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của quỹ. Đồng thời, tạo ra bước đột phá, nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để góp phần phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; đảm bảo hoạt động tập trung phục vụ thành viên, hạn chế huy động tiền gửi và cho vay khách hàng không phải là thành viên; chấp hành nghiêm các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã.
Định hướng đến năm 2025, Quỹ TDND Trần Hưng Đạo có tổng nguồn vốn 65,5 tỷ đồng; nâng số thành viên lên 2.000, trong đó có khoảng 900 thành viên có dư nợ vay vốn; lợi nhuận sau thuế khoảng 550 triệu đồng. Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ đạt tối thiểu 1,5 tỷ đồng, tích cực vận động nhân dân trên địa bàn tham gia thành viên, để huy động vốn, nâng cao năng lực tài chính, phát triển thành viên, mở rộng quy mô hoạt động. Tập trung cho vay vốn đối với các thành viên sử dụng vốn vay có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Việc mở rộng tín dụng của quỹ đi đôi với tăng cường kiểm soát chất lượng; phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu, để đến năm 2025 tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: