(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác dân tộc.
Quảng Ngãi hiện có khoảng 2.000 cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số (DTTS). Thực tế cho thấy, cán bộ vùng cao phải có kiến thức dân tộc sâu rộng để đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nói đồng bào mới nghe, thực hiện theo.
Cán bộ huyện Sơn Tây hỗ trợ người dân thực hiện mô hình trồng bưởi trên đất đồi. |
Hằng năm, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả. Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Học viện Dân tộc (thuộc Ủy ban Dân tộc) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 3 lớp cho 145 cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, thực hiện nội dung số 1 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc tiểu dự án 2 của dự án 5, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 13 lớp cho 339 học viên tại 5 huyện miền núi.
Học viên tham dự lớp bồi dưỡng được giảng viên của Học viện Dân tộc truyền đạt nhiều nhóm kiến thức chuyên đề về: Tổng quan các DTTS Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng DTTS vững mạnh. Ngoài ra, các học viên còn được thông tin các kiến thức quản lý nhà nước về văn hóa các DTTS; công tác quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS và miền núi.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho rằng, việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc là rất quan trọng, nhằm trang bị tri thức, những kiến thức cơ bản về đặc điểm, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc, về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc. Từ đó, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác, góp phần thực hiện tốt các nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Thường xuyên phối hợp với Học viện Dân tộc trao đổi, thống nhất các nội dung tài liệu, bài giảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp cho công tác bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả cao nhất. Theo kế hoạch, trong năm 2023 sẽ tổ chức hơn 30 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho khoảng 1.300 học viên trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát huy ưu điểm, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo; đồng thời khắc phục các hạn chế, khuyết điểm để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các đối tượng.
Bài, ảnh: V.YẾN
TIN BÀI LIÊN QUAN: