Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có tọa độ địa lý 14 độ 32 phút – 15 độ 25 phút vĩ Bắc, 108 độ 06 phút – 109 độ 04 phút kinh Đông.
Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.131,5 km2, bằng 1,7% diện tích tự nhiên cả nước.
Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Địa hình
Quảng Ngãi là tỉnh thuộc duyên hải Trung Trung Bộ với đặc điểm chung là núi lấn sát biển, địa hình có tính chuyển tiếp từ địa hình đồng bằng ven biển ở phía đông đến địa hình miền núi cao ở phía tây. Miền núi chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đồng bằng nhỏ hẹp chiếm 1/4 diện tích tự nhiên. Cấu tạo địa hình Quảng Ngãi gồm các thành tạo đá biến chất, đá magma xâm nhập, phun trào và các thành tạo trầm tích có tuổi từ tiền Cambri đến Đệ tứ.
Giống như các tỉnh miền Trung khác, địa hình Quảng Ngãi nhìn chung có dạng đẳng thước và được chia thành 4 vùng rõ rệt: vùng rừng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và vùng bãi cát ven biển.
Khí hậu
Quảng Ngãi nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên có hai mùa gió chính (gió mùa mùa Đông và gió mùa mùa Hè). Do địa hình chi phối nên hướng gió không phản ảnh đúng cơ chế của hoàn lưu. Tuy nhiên, hướng gió hình thành vẫn biến đổi theo mùa rõ rệt.
Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc Bán Cầu, Quảng Ngãi có nền nhiệt độ cao và ít biến động trong năm. Mùa lạnh các tháng có nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.
3. Dân cư
Trên địa bàn Quảng Ngãi từng có các lớp cư dân cổ sinh sống: cư dân Sa Huỳnh, cư dân Chămpa, kế đó là cư dân Việt (Kinh) chiếm vị trí chủ đạo.
Người Kinh hiện diện ở Quảng Ngãi bắt đầu chủ yếu từ thế kỷ XV trở đi, đa số là những nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh – Nghệ di cư vào khẩn hoang đất đai, lập thành làng mạc.
Dưới thời các chúa Nguyễn, có một số người Hoa từ các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam (Trung Quốc) đến sinh sống ở Thu Xà, các cửa biển Sa Cần, Sa Huỳnh và một số điểm ở trung du. Người Hoa đóng vai trò tương đối quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng đất Quảng Ngãi thời bấy giờ thông qua hoạt động buôn bán thịnh đạt ở Thu Xà. Nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, người Hoa phần đã phiêu tán đi nơi khác, phần hòa nhập vào cộng đồng người Việt, không còn các cộng đồng làng xã đặc thù.
Dưới thời Pháp thuộc, cho đến hết năm 1975, có một số người Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Chà Và (Java) đến sống ở Quảng Ngãi, nhưng chủ yếu là chuyển cư tạm thời, hoặc không thành cộng đồng riêng. Do vậy, ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, ngoài dân tộc Việt là đáng kể nhất, không có cộng đồng nào khác.
Ở miền núi, về dân tộc có sự ổn định hơn. Miền núi Quảng Ngãi có các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong (nhóm địa phương của dân tộc Xê đăng) sinh sống; họ là cư dân bản địa lâu đời, sống theo từng khu vực và có sự đan xen nhất định, có sự giao lưu, buôn bán với nhau và với người Việt ở miền xuôi lên buôn bán, khai khẩn. Từ sau năm 1975, có một ít người các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc vào, song chỉ là đơn lẻ và hòa nhập vào các cộng đồng địa phương. Do vậy, nói đến dân cư, dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi cũng chỉ đề cập chủ yếu đến các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong và Kinh.
Đến năm 2005, dân tộc Kinh chiếm 88,8%, Hrê 8,58%, Cor 1,8%, Ca Dong 0,7%; số người thuộc 13 dân tộc thiểu số khác chỉ chiếm 0,12% dân số. Do vậy, nếu tính về dân tộc thì ở Quảng Ngãi có đến 17 dân tộc, nhưng thực chất cũng chỉ có 4 dân tộc có số lượng cư dân đáng kể. Nhìn chung, khối cộng đồng dân cư Quảng Ngãi phát triển theo tiến trình của lịch sử, cùng đoàn kết, chung sức chung lòng trong công cuộc chống phong kiến – đế quốc, dựng xây quê hương giàu đẹp.