Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở miền Nam Trung Bộ, giáp tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc và Bình Định ở phía Nam. Quảng Ngãi có đường bờ biển dài 130 km, với nhiều thắng cảnh và điểm đến lịch sử.
Mùa đẹp
Khoảng thời gian thích hợp cho du lịch Quảng Ngãi từ khoảng tháng 4 đến tháng 8. Đây là thời điểm khô ráo, nắng đẹp, hầu như không có mưa bão nên thuận tiện trong di di chuyển cũng như tham gia các hoạt động giải trí.
Cầu Cổ Lũy, cuối sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh
Di chuyển
Quảng Ngãi không có sân bay, sân bay gần nhất là Chu Lai (Quảng Nam), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 40 km. Từ Chu Lai về Quảng Ngãi có các phương tiện sau:
Taxi: Taxi sân bay có giá 450.000 đồng đến 600.000 đồng một lượt. Các hãng phổ biến là Mai Linh và Sun.
Ôtô buýt sân bay: xe buýt giữa sân bay Chu Lai và trung tâm TP Quảng Ngãi có thời gian di chuyển khoảng 1 giờ 30 phút, thích hợp với hành khách đi cá nhân hoặc nhóm nhỏ và mang ít hành lý. Giá vé 60.000 đồng.
Xe ôtô dịch vụ: Dịch vụ xe đưa đón có giá từ khoảng 450.000 đồng với xe 4 chỗ và 850.000 đồng đến 1 triệu đồng với xe 12 đến 16 chỗ. Xe ôtô tự lái có giá khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng một ngày, tùy loại.
Tàu Thống Nhất từ Hà Nội và TP HCM có dừng ở ga Quảng Ngãi. Giá vé khứ hồi của tàu nhanh nhất dao động từ 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng từ chiều Hà Nội và từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng từ TP HCM.
Trong thành phố Quảng Ngãi, di chuyển bằng xe máy thuận tiện nhất. Du khách có thể thuê xe thông qua khách sạn với giá khoảng 100.000 đồng một ngày, tùy loại xe.
Lưu trú
Quảng Ngãi không có nhiều khách sạn hay resort sang trọng. Các khu lưu trú chia theo từng khu vực, tùy nhu cầu tham quan và lưu trú của du khách mà lựa chọn nơi nghỉ ngơi phù hợp.
Ở TP Quảng Ngãi, bờ nam sông Trà Khúc có khách sạn Sông Trà lâu đời nhất tại đây, gần đó là Thiên Ấn Riverside Hotel, Luxury Hotel. Các khu vực lân cận có King Hotel, Central Hotel, khách sạn Cẩm Thành. Giá phòng dao động từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng một đêm. Ngoài ra, trong nội thành cũng có một số nhà nghỉ, homestay phong cách như Turi, Tròn. Các nhà nghỉ hay khách sạn bình dân có giá quanh mức 200.000 đồng một đêm.
Sau khi mở rộng thành phố Quảng Ngãi năm 2014, một phần huyện Sơn Tịnh ở phía đông bắc và huyện Tư Nghĩa ở phía đông nam được sáp nhập, để thành phố phát triển hai bên bờ sông, hướng về phía biển. Vùng ngoại ô phía nam sông Trà Khúc có resort Cocoland River Beach Resort & Spa ở khu du lịch Bãi Dừa (huyện Tư Nghĩa), ở phía Bắc có các homestay bên bờ biển Mỹ Khê hay các khách sạn như Mỹ Khê Hotel.
Ở các vùng phía bắc huyện Bình Sơn, du khách có thể lưu trú tại các khách sạn, homestay tại thị trấn Châu Ổ bên dòng sông Trà Bồng (sông trong bài thơ Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh) để đến thăm các địa điểm ở khu vực này, hoặc khách sạn The Harmonia Hotel (ở Dung Quất). Ở phía nam, vùng Sa Huỳnh có Sa Huỳnh resort. Giá dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một đêm.
Chơi đâu
Các điểm du lịch ở Quảng Ngãi trải dài toàn tỉnh, nên du khách cần lựa chọn khu vực để lưu trú và điểm tham quan phù hợp nhu cầu, đặc biệt khi không có nhiều thời gian.
Thành phố Quảng Ngãi
Cồn cát hình trái tim bên bờ sông Trà Khúc. Ảnh: Phạm Linh
Thành phố Quảng Ngãi có diện tích 160 km2, với sông Trà Khúc chảy giữa lòng thành phố. Đến đây du khách có thể tản bộ hai bên bờ sông, ngắm những bãi bồi trồng hoa màu và dưa xanh vào bình minh và hoàng hôn. Cuối sông Trà Khúc là cầu Cổ Lũy, cầu đẹp nhất tỉnh, nơi bạn có thể ngắm nhìn những cồn cát và cửa biển cùng tên với Cửa Đại của tỉnh Quảng Nam. Nội ô thành phố Quảng Ngãi là đô thị loại 2, không có nhiều địa điểm thăm thú, nhưng là nơi xuất phát tới những khu du lịch khách trong thành phố như núi Thiên Ấn, khu chứng tích Sơn Mỹ, rừng dừa nước Tịnh Khê, bãi biển Mỹ Khê…
Đảo Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, có diện tích tự nhiên 10,39 km2, dân số hơn 22.000 người. Lý Sơn được ví như hòn ngọc giữa biển. Năm 2019, hòn đảo được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 10 nơi có bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, Lý Sơn còn được biết đến là “Vương quốc tỏi”.
Lý Sơn có hai miệng núi lửa là Giếng Tiền và Thới Lới, hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 2 di chỉ khảo cổ. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý, hội tụ và kết tinh từ 3 nền văn hóa cổ là văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt cổ. Trên đảo còn có nhiều lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ hội đua thuyền tứ linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi lưu giữ tài liệu, bằng chứng lịch sử xác lập cột mốc và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bãi biển Mỹ Khê
Bãi biển Mỹ Khê nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 15 km, là một trong những bãi biển nổi tiếng và đẹp nhất của tỉnh. Taxi từ trung tâm thành phố tới Mỹ Khê hết khoảng 200.000 đồng. Du khách cũng có thể sử dụng tuyến buýt 03. Bãi biển Mỹ Khê gần cảng Sa Kỳ (khoảng 10 km) nên du khách có thể kết hợp ở một đêm tại bãi Mỹ Khê trước khi ra chơi ở đảo Lý Sơn. Một số cơ sở lưu trú nổi bật ở đây: Khách sạn Mỹ Khê, Châu Ngọc Viên Hotel hoặc các homestay như Nhà Mình, Làng Biển…
Bãi dừa Tư Nghĩa
Ở bãi dừa Tư Nghĩa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, có khoảng 200 cây. Tại đây, bạn sẽ được tận hưởng không gian xanh mát, uống những trái dừa tươi ngọt hái ngay từ trên cây. Tại khu du lịch Bãi Dừa Tư Nghĩa có những nhà hàng nổi trên mặt nước phục vụ nhiều món ăn ngon thuộc phong cách ẩm thực làng quê. Đây không chỉ vừa là địa điểm du lịch, mà còn là “hàng rào” bảo vệ dân làng bình yên mỗi khi mùa mưa bão đến.
Khu chứng tích Sơn Mỹ
Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ nằm ở huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi 13 km về phía đông bắc. Đây là nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt được quân Mỹ thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ. 504 người đã chết, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược.
Khu chứng tích Sơn Mỹ rộng 2,4 ha, cạnh tỉnh lộ 24B gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày bổ sung, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn. Bên ngoài khuôn viên chứng tích là những tấm bia dựng ở điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết.
Khu di tích mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật, từ 7h đến 17h, giá vé 20.000 đồng.
Thảo nguyên Bùi Hui
Đồi sim trên thảo nguyên Bùi Hui. Ảnh: Thành Sự
Thảo nguyên thuộc xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, nơi được mệnh danh là thủ phủ trâu của Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 70 km về phía tây. Bùi Hui rộng hàng chục ha, có đồi sim tím thơ mộng. Mùa sim chín khoảng tháng 6-7 là lúc người dân địa phương mặc trang phục truyền thống ra đồi hái sim. Bạn có thể check-in với hoa, quả sim, mua rượu sim của người H’Re bản địa.
Bình minh và hoàng hôn ở thảo nguyên có mây và sương phủ, khiến du khách cảm thấy như chạm được chân trời. Đây là nơi thích hợp để dã ngoại, cắm trại cùng bạn bè, gia đình sau những ngày bận rộn ở thành phố.
Mũi Ba Làng An
Nếu muốn tìm một nơi thư giãn và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của biển đảo miền Trung, hãy đến với mũi Ba Làng An ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Đây là một mũi đất được tạo nên bởi những vách đá trầm tích của núi lửa cùng với dòng biển xanh trong vắt. Tên gọi nơi đây là do nơi này có ba làng cùng tên “An”: An Hải, An Vĩnh và An Kỳ. Người Pháp đã khám phá nơi này với địa thế cực đông của tỉnh Quảng Ngãi, nơi gần nhất với đảo Lý Sơn, có nguồn hải sản dồi dào, và có một tên gọi khác trên bản đồ thế giới là Batangan.
Ở mũi Ba Làng An, bạn sẽ có cơ hội được ngắm nhìn toàn cảnh của mũi biển từ ngọn hải đăng cao 36 m, đi bộ dọc bờ biển, chụp ảnh với những khối đá nhấp nhô hay miệng núi lửa đã ngưng hoạt động.
Cánh đồng muối Sa Huỳnh
Đây là một trong những đồng muối nổi tiếng nhất miền Trung, rộng 110 ha, nằm dọc theo quốc lộ 1A, thuộc huyện Đức Phổ, cách trung tâm thành phố khoảng 60 km về phía Nam. Ở đây du khách có thể đặt tour đồng muối để được các thành viên trong tổ hợp tác du lịch cộng đồng kể sự tích nghề muối, cách diêm dân làm ra muối bằng cách tận dụng nắng và gió, kiến trúc của đồng muối từ các mương dẫn nước đến các ô ruộng. Du khách cũng có thể tự mình trải nghiệm cào muối, trẻ em được tìm hiểu về hệ vi sinh vật trên đồng muối.
Đây cũng là nơi dễ chụp những bức ảnh đẹp, đặc biệt vào thời điểm hoàng hôn, khi cánh đồng phản chiếu ánh nắng như một tấm gương khổng lồ.
Thác trắng Minh Long
Khu du lịch Thác trắng Minh Long cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 30 km. Thác có độ dốc cao trên 40m, nằm giữa vùng rừng núi, là một trong những thác đẹp nhất của tỉnh. Dưới chân thác có hồ tự nhiên, nước xanh và mát lạnh, nơi du khách được phép bơi lội. Chân thác có một con suối rộng khoảng 20 m, quanh co trong thung lũng trước khi chảy ra hợp nước với các khe suối khác. Thác Minh Long là điểm đến hấp dẫn của dân “phượt”.
Núi Thiên Ấn
Núi Thiên Ấn được coi là biểu tượng của Quảng Ngãi, có khung cảnh hùng vĩ, cao khoảng 135 m. Nơi đây đã được xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia. Núi Thiên Ấn thích hợp cho người ưa phượt và khám phá. Đến đây, bạn nên tham quan chùa Thiên Ấn. Ngôi chùa cổ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Xung quanh chùa là khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng bao phủ nên có không gian trong lành. Đường lên chùa hơi quanh co nên du khách lưu ý di chuyển.
Gành Yến
Gành Yến nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, cách thành phố Quảng Ngãi 35 km về hướng bắc. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bãi đá trầm tích xếp chồng lên nhau, tạo nên những hình thù kỳ thú. Bạn cũng sẽ được ngắm nhìn những rạn san hô muôn màu khi thủy triều rút ra xa. Mũi Gành Yến không chỉ có vẻ đẹp địa chất trên bờ, mà còn có hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng.
Bạn có thể lặn ngắm san hô hoa dày đặc bên dưới đáy biển, hay thả lưới cá, ghẹ, mực cùng người dân địa phương. Tại đây cũng có những món ăn hải sản tươi và rẻ tại các quán ven biển.
Khu di tích Đặng Thùy Trâm
Khu di tích Đặng Thuỳ Trâm là một điểm tham quan hút của giới trẻ, nằm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Khu di tích gồm: Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm cùng các điểm đến lịch sử gắn với hoạt động của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong chiến tranh như: Trạm phẫu thuật tiền phương núi Bộng Dầu, hầm bí mật tại vườn nhà y sĩ Tạ Thị Ninh ở xã Phổ Cường, Bệnh xá Đức Phổ tại đồi gò Chày thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm, Bệnh xá Đức Phổ tại thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ…
Liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm được biết đến với tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là người Thừa Thiên – Huế sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Đặng Thuỳ Trâm nhận nhiệm vụ của một thầy thuốc ở chiến trường miền Nam, công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ. Chị hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi, mang theo sức trẻ, ý trí chiến đấu cùng những hoài bão của tuổi trẻ.
Bàu Cá Cái
Bàu Cá Cái ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách TP Quảng Ngãi 50 km về phía bắc. Rừng ngập mặn bàu Cá Cái và đầm nước rộng 83 ha, trong đó 50 ha rừng cóc trắng, đước 6 năm tuổi đang được quản lý, bảo vệ, số còn lại đang tiếp tục trồng.
Số cây này được trồng theo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”. Sau khi trồng thành công, khu vực này được giao cho người dân bảo vệ, phát triển du lịch. Vào mùa thu, những cây cóc trắng tạo nên vẻ đẹp mê hoặc khi nhìn từ trên cao, thu hút nhiều du khách và giới nhiếp ảnh.
Ăn gì
Don
Đây là đặc sản của Quảng Ngãi, xuất hiện nhiều ở hai con sông lớn là Trà Khúc và sông Vệ. Thường đến mùa khô khoảng tháng 4-5, người dân quanh sông đi cào don. Don sống vùi trong cát nên việc cào khá cực khổ.
Don sau khi mua hay bắt về được rửa sạch, cho vào nước sôi, khuấy mạnh và liên tục cho há miệng, để phần nước luộc ngon ngọt. Bắc nồi xuống lấy nước trong cho vào nồi khác rồi nêm nếm vừa ăn. Don đãi lấy ruột. Khi khách gọi món, người bán hàng xúc một ít don và bẻ một cái bánh tráng cho vào tô, thêm hành tây, hành lá và ngò, sau đó chan nước.
Don ăn kèm ớt, tỏi, tiêu…. Có thể thưởng thức don bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng người Quảng Ngãi thường ăn lúc xế chiều. Một số địa chỉ: Don Cổ Lũy 115 Chu Văn An, Don Gáo Dừa đường Trường Sa, Don Thanh Nhàn đường Quang Trung…
Cá bống sông Trà
Người dân Quảng Ngãi thường ăn cá bống vào những bữa cơm hàng ngày và xem cá bống như một món không thể thiếu trong đời sống. Cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè. Ngư dân thường bắt cá bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, một cọc nhọn cắm xuống nước). Cá bống đem về còn tươi, bỏ vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xâm xấp rồi rim với lửa riu riu cùng với gia vị hành, ớt, tỏi, thêm ít tiêu và nước trong hơn một tiếng. Cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng.
Cùng với don, cá bống sông Trà nằm trong top 50 món ăn ngon nhất Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận.
Bánh xèo
Khác với bánh xèo miền Nam, bánh xèo ở Quảng Ngãi được đúc trong khuôn nhỏ, đường kính khoảng 20cm. Vỏ bánh chế biến từ bột gạo tươi, bánh thành phẩm thường mềm, với nhân là tôm, giá… Theo kinh nghiệm của người dân, khuôn bánh đúc dùng càng lâu thì bánh ra lò càng ngon, không bị dính và cháy. Bánh xèo ngon nhất khi ăn kèm với chuối cắt lát, dưa leo, rau thơm, xà lách, diếp cá và chấm với nước mắm pha ớt, tỏi Lý Sơn. Một số địa chỉ: 124 Phan Đình Phùng, 471 Lê Lợi, bà Lợi biển Mỹ Khê, cô Dung Tịnh Khê…
Ram bắp
Bắp (ngô) nếp hoặc ngô Mỹ bào vụn, trộn với muối đường tiêu hành hẹ rồi gói trong bánh tráng gạo, loại bánh mỏng và dai. Cuốn xong, ram bắp được chiên trên chảo dầu sôi, cho ra thành phẩm vàng đều, giòn tan. Ram ăn ngon nhất khi nóng cùng nước mắm chua ngọt và rau sống. Không chỉ xuất hiện trong bữa ăn gia đình và một số quán ăn vặt, ram bắp còn là một trong những món chay không thể thiếu trong các dịp cúng giỗ, ngày rằm của người dân Quảng Ngãi.
Hải sản
Cũng như nhiều vùng biển ở Việt Nam, Quảng Ngãi có nhiều loại hải sản tươi ngon được đánh bắt và tiêu thụ ngay trong ngày. Các loại cua, nhum biển, hàu sữa… là những món ăn không thể bỏ qua. Hải sản ở Quảng Ngãi không đắt, với chưa đến 300.000 đồng một người, du khách đã có thể có bữa no nê. Một số địa chỉ: các quán hải sản dọc bãi biển Mỹ Khê, bờ kè Trà Khúc, Tuấn Mập đường Trần Phú, Phượng Ốc đường Trương Quang Giao, Vũ Cua đường Phan Đình Phùng…
Kẹo gương
Kẹo gương trong, có màu vàng nhạt của đậu phộng (lạc), trắng vàng của mè và dễ vỡ. Đây là món ăn theo chân một số người Hoa ở Triều Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) đến sinh sống lập nghiệp tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Nghề làm kẹo gương lan truyền và phát triển thành nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Kẹo gương giòn, vị ngọt béo bùi, kết hợp cùng trà sen rất phù hợp.
Lưu ý
Giọng của người địa phương ở đây hơi khó nghe, đặc biệt là người dân miền biển. Do đó bạn cần lưu ý trong giao tiếp.
Phạm Linh – Tâm Anh