UBND thành phố Hội An vừa quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng tuyến tham quan xanh Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp nhằm mục tiêu triển khai vận động, hướng dẫn thực hành du lịch xanh tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm bán hàng lưu niệm, điểm tham quan để hình thành tuyến tham quan xanh Cù Lao Chàm.
Hội An xây dựng tuyến tham quan xanh Cù Lao Chàm
Năm 2021, UBND thành phố Hội An đã ban hành Đề án số 3603 về “Phát triển du lịch Hội An đến năm 2025, định hướng 2030”.
Mới đây, thành phố cũng đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ thực hiện đề án “Phát triển du lịch xanh Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” năm 2024, trong đó, đặt nhiệm vụ xây dựng điểm đến xanh cho 3 điểm đến bao gồm Cù Lao Chàm, Làng gốm Thanh Hà và Làng rau Trà Quế.
Việc tăng cường số lượng điểm đến xanh giúp phát triển sản phẩm du lịch từ khu vực nội thị đến vùng ven, mở rộng phạm vi khai thác du lịch, góp phần tạo nên nét đặc trưng của ngành du lịch thành phố Hội An.
Mùa hoa ngô đồng đỏ ở đảo trở thành một sự kiện du lịch-lễ hội thu hút du khách đến Cù Lao Chàm
Trên thực tế, việc chuyển đổi mô hình sang định hướng du lịch xanh, xây dựng điểm đến xanh gặp một số khó khăn nhất định.
Hiện tại, các cơ sở kinh doanh du lịch hiện đang tập trung vào việc kinh doanh nhằm khắc phục hậu quả từ đại dịch Covid-19. Do đó, việc thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh, vốn cần sự quyết tâm chuyển đổi về tư duy, định hướng và cách thức kinh doanh chưa được ưu tiên.
Bên cạnh đó, các điểm đến tại thành phố Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng đang thiếu nhiều nguồn lực, điều kiện để được công nhận là điểm đến xanh theo bộ tiêu chí do tỉnh Quảng Nam ban hành.
Năm 2009, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với sự đa dạng sinh học và khí hậu thuận lợi, Cù Lao Chàm ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến Hội An
Sinh kế tại làng biển Cù Lao Chàm đến từ hoạt động du lịch như dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú, vận chuyển khách du lịch và kinh doanh ăn uống, hàng lưu niệm tại điểm,… và từ hoạt động ngư nghiệp, cung cấp sản phẩm cho hoạt động du lịch (đánh bắt hải sản).
Hiện nay có 34 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành tuyến Hội An – Cù Lao Chàm, với 75 phương tiện tàu thuyền có sức vận chuyển 3.000 khách mỗi ngày
Các mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng được thực hiện hiệu quả như: Mô hình cộng đồng tham gia phục hồi rạn san hô, mô hình cộng đồng tham gia phân loại rác tại nguồn, mô hình cộng đồng nói không với túi nilon,… qua đó, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phát triển du lịch xanh tại đảo.
Du khách lưu trú tại homestay ở Cù Lao Chàm
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng cơ sở hạ tầng tại Cù Lao Chàm chưa phát triển tương xứng để khai thác du lịch hiệu quả. Thời gian của chương trình du lịch ngắn, trong ngày hạn chế sự giao tiếp sâu giữa du khách với cộng đồng dân cư.
Các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự quan tâm để du khách tiếp cận các điểm tham quan lịch sử và các làng nghề truyền thống.
Quy mô hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ và chất lượng dịch vụ không đồng nhất cũng gây trở ngại cho du khách trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ du lịch.
Một điểm thu gom rác thải tại Cù Lao Chàm
Các vấn đề tồn tại hiện trạng du lịch mà Cù Lao Chàm đang đối diện như: Chưa có hoạt động khảo sát, đánh giá hiện trạng du lịch xanh tại điểm đến.
Mặc dù có nhiều cơ quan và tổ chức cùng hỗ trợ, triển khai các nội dung công việc bảo vệ môi trường và sinh thái tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng do chưa có sự phối hợp và triển khai đồng bộ nên dẫn đến lãng phí nguồn lực và hiệu quả không cao.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh tại Cù Lao Chàm là cơ sở nhỏ, khó khăn về các nguồn lực để triển khai thực hành du lịch xanh.
Hoạt động du lịch đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân Cù Lao Chàm nhờ vào định hướng phát triển du lịch cộng đồng của chính quyền
“Vì vậy, việc thực hiện xây dựng tuyến tham quan xanh Cù Lao Chàm hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến xanh là một nhiệm vụ cấp thiết, góp phần thực hiện thành công Đề án “Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời, cung cấp bài học kinh nghiệm cho việc nhân rộng mô hình Điểm đến xanh trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết.
Năm 2024, nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng được công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Mục tiêu cụ thể kế hoạch đặt ra: 4- 5 cơ sở kinh doanh homestay được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh; 3 doanh nghiệp lữ hành tuyến Hội An – Cù Lao Chàm được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh; 5 điểm tham quan được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam.
50% cơ sở bán hàng lưu niệm; 50% nhà hàng tại bãi Ông, bãi Chồng, 5 nhà hàng tại bãi Làng; Nhà điều hành bến du lịch Cửa Đại, Nhà đón tiếp khách tại bãi Chồng thực hành du lịch xanh.
4 nội dung sẽ triển khai gồm: Đánh giá hiện trạng thực hành xanh trên tuyến tham quan và các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng thực hiện tại Cù Lao Chàm; Hướng dẫn thực hành du lịch xanh; Lập hồ sơ đề nghị công nhận homestay, lữ hành, điểm tham quan, Truyền thông về tuyến tham quan xanh Cù Lao Chàm; Tổng kết kết quả thực hiện kế hoạch. |
Khánh Chi
Nguồn:https://baovanhoa.vn/du-lich/xay-dung-tuyen-tham-quan-xanh-tai-dao-cu-lao-chamhoi-an-113827.html