Cơ sở lúng túng việc lập dự toán
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 22 tới, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Đây là một trong các chính sách đã và đang được tỉnh xem xét ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo lộ trình đề ra và đúng quy định.
Cụ thể hơn, nội dung được quan tâm nhất và mang tính khởi đầu cho việc xem xét ban hành các chính sách liên quan của tỉnh, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 37 vào ngày 29/12/2023 về quy định chính sách hỗ trợ tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp ĐVHC.
Ghi nhận từ thực tiễn qua các cuộc làm việc với cấp tỉnh về tiến độ triển khai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC, các địa phương liên quan đều kiến nghị ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán kinh phí để dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Hồng – Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình cho rằng, vấn đề đang gặp vướng mắc hiện nay là việc lập dự toán trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC.
UBND huyện Thăng Bình giao ngành tài chính và nội vụ phối hợp lập dự toán này và bám theo văn bản của Trung ương thì có Nghị quyết số 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn Bộ Tài chính có Hướng dẫn số 8006 ngày 31/7/2023.
“Tuy nhiên, ở tỉnh chưa có hướng dẫn định mức chi, vậy nên việc lập dự toán này gặp khó khăn, lúng túng, không biết dựa vào văn bản nào để thực hiện” – ông Hồng nói.
Là địa phương duy nhất của tỉnh vừa thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã trong giai đoạn 2023 – 2025 nên vấn đề kinh phí bố trí cho nhiệm vụ này được UBND huyện Nông Sơn rất quan tâm. Theo đó, quy định tại các văn bản hiện hành về nội dung này còn rất chung chung, địa phương chưa có cơ sở cụ thể tổ chức lập dự toán kinh phí, phải chờ xin ý kiến hướng dẫn từ tỉnh.
Theo ông Trần Phương – Phó Trưởng phòng Nội vụ Nông Sơn, Nghị quyế số 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các văn bản liên quan chỉ nêu kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC được chi từ ngân sách nhà nước. Còn về đầu việc và nội dung chi, mức chi vẫn chưa có.
“Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản thống nhất của Sở Tài chính và Sở Nội vụ, dẫn đến khó khăn cho việc lập dự toán kinh phí thực hiện. Cấp xã và lãnh đạo huyện đều hỏi nhưng chúng tôi không có cơ sở trả lời” – ông Phương chia sẻ.
Cần được hướng dẫn cụ thể
Theo phương án đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, giai đoạn 2023 – 2025, Quảng Nam dự kiến thực hiện sắp xếp đối với 2 ĐVHC cấp huyện (Nông Sơn và huyện Quế Sơn) và 16 ĐVHC cấp xã.
Phân tích về các căn cứ pháp lý liên quan và ghi nhận phản ánh từ thực tiễn cơ sở, Sở Nội vụ – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh cho rằng, nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính tại các văn bản chưa cụ thể, nên địa phương lúng túng trong việc bố trí kinh phí thực hiện đề án.
Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Tài chính, qua rà soát, những nhiệm vụ chi để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đều đã được HĐND tỉnh quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức chi (các Nghị quyết số 20/2017 và Nghị quyết số 42/2022 của HĐND tỉnh).
Vậy nên, UBND tỉnh không trình HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi mà áp dụng theo các quy định hiện hành nêu trên. Riêng, định mức hỗ trợ đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp trên địa bàn tỉnh, chưa được HĐND tỉnh quy định.
Theo dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh xây dựng đưa ra lấy ý kiến góp ý trước khi trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 22 sắp tới, Quảng Nam là tỉnh tự cân đối ngân sách, ngân sách Trung ương không hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ 1 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện và 200 triệu đồng/ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp.
UBND tỉnh dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 tối thiểu là 5,2 tỷ đồng. Theo giải trình của Sở Tài chính, nội dung hỗ trợ này theo hướng bổ sung khi phí chi thường xuyên cho các địa phương.
Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ nói, tại dự thảo tờ trình do Sở Tài chính được UBND tỉnh giao tham mưu soạn thảo chưa quy định rõ nội dung chi, mức chi.
Qua ghi nhận ý kiến từ các địa phương, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể hơn các nội dung chi, mức chi, để khi HĐND tỉnh thông qua thì việc triển khai thực hiện không gặp lúng túng.