Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 Bảo vật Quốc gia (đợt 13, năm 2024). Theo đó, Quảng Nam có 04 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia gồm: Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi, Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi, Trống đồng Hoàng Long và Thạp đồng Hoàng Long.
Đại diện Hội đồng thẩm định cho hay, bốn hiện vật này được lựa chọn dựa trên những tiêu chí để xác định hiện vật là Bảo vật Quốc gia như: Tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ…
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi:
Bộ sưu tập này gồm 108 đơn vị hiện vật: 04 khuyên tai và 104 hạt chuỗi. Nhóm hiện vật này phát hiện được trong cuộc khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi thuộc khối 7B, Phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn (trước đây thuộc thôn 7b, xã Điện Nam) do Bảo tàng Quảng Nam (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKHXH&NV Hà Nội) và Viện Khảo cổ học Cộng hòa liên bang Đức tại Born khai quật liên tục trong 3 năm từ 2002 đến 2004. 04 chiếc khuyên tai vàng có đường kính từ 1.2cm đến 1.25 cm, dày 0.2 cm – 0.25cm; 104 hạt chuỗi vàng có đường kính thân từ 0.5cm đến 0.7cm; dày từ 0.45cm đến 0.55cm. Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi không chỉ là tư liệu vật thật minh chứng đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Sa Huỳnh mà còn khẳng định đây là sưu tập hiện vật gốc, độc bản, độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa. Bộ sưu tập trang sức vàng ở di tích mộ táng Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn phản ánh thành tựu văn hóa – lịch sử của cư dân văn hóa Sa Huỳnh trong quá trình lao động, xây dựng và phát triển ở trên vùng đất này. Bộ trang sức vàng ở di tích Lai Nghi góp phần minh chứng cho vai trò then chốt của cư dân Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại buôn bán trên biển Đông… Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên.
Bộ sưu tập Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi:
Bộ sưu tập gồm 02 hiện vật bằng đá mã não. Hạt chuỗi mã não khắc hình con chim nước có độ dài 1.5cm, cao 0.75cm, dày thân phần đầu cánh 0.6 cm, dài mỏ 0.8 cm, đường kính lỗ 0.15cm. Hạt chuỗi mã não khắc hình con hổ có độ dài 1.4cm, cao 1.1cm, dày 0.7cm, đường kính lỗ 0.1cm. Hai hiện vật này cũng được phát hiện từ cuộc khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi trong 3 năm từ 2002 đến 2004. Đây là hai tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Với kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉnh chu trong từng chi tiết nhỏ của hai hiện vật này cho thấy sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao của người nghệ nhân – người đã thổi hồn chúng thành những kiệt tác nghệ thuật sống động, đẹp mắt và đầy cảm xúc. Chất liệu của hai hạt chuổi này là đá Carnelian, loại đá được xem là một trong những loại đá quý có lịch sử lâu đời, kéo dài hàng nghìn năm. Hai hiện vật này có giá trị đặc biệt, là sản phẩm tinh thần đặc sắc không chỉ làm đẹp cho chủ nhân mà còn thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội theo tập tục, tín ngưỡng của người cổ Sa Huỳnh. Đồng thời những hiện vật này được coi là bằng chứng cho sự tham gia của Đông Nam Á vào con đường tơ lụa hàng hải sớm; sự tham gia văn hóa Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại khu vực cổ đại hay cụ thể hơn là nghiên cứu sự giao lưu khu vực và quốc tế của văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn. Hai hạt chuổi mã não này có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên.
Bộ sưu tập Trống đồng Hoàng Long
Đây là bộ sưu tập tư nhân của ông Lương Hoàng Long (trú tại Khối phố Xuân Hòa, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An), được các đời trước trong gia đình lưu truyền lại. Trống được chế tác bằng đồng, nặng 13kg. Kích thước: đường kính mặt: 49,5cm ; cao: 35,5cm, cao: 35,2cm, quai rộng: 5,2cm quai cao: 8,0cm; đường kính chân: 56cm. Đây là loại trống Đông Sơn (còn được gọi trống đồng loại I theo phân định của học giả F. Heger), được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào nhóm A. Trống đồng Hoàng Long là hiện vật gốc, tương đối nguyên vẹn, không có những dấu vết của việc sửa chữa, tu bổ. Trống đồng là hiện vật có hình thức độc đáo, nhất là ở tạo dáng và hoa văn trang trí trên trống. Trống có những hoa văn lần đầu mới gặp như linh vật hình con chồn có đuôi hoa xù, hoa văn miêu tả các công đoạn của tục hiến tế người và hiến tế bò… Trống đồng Hoàng Long rất có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, góp phần dựng lại lịch sử cổ đại của đất nước từ kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần của ông cha ta. Trống đồng là sản phẩm đầy trí tuệ biểu hiện cho tài năng sáng tạo, sự khéo léo và tinh xảo hiếm có của tổ tiên ta đã tạo nên kĩ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á. Điều này cũng góp phần khẳng định trình độ văn hiến của cư dân Đông Sơn đã khá cao so với các cư dân Đông Nam Á đương thời. Niên đại của trống từ thế kỷ thứ IV-III trước Công nguyên đến thế kỷ I – II Công nguyên.
Bộ sưu tập Thạp đồng Hoàng Long
Cũng thuộc bộ sưu tập tư nhân của ông Lương Hoàng Long (trú tại Khối phố Xuân Hòa, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An), được các đời trước trong gia đình lưu truyền lại. Thạp được chế tác bằng đồng, nặng 13,6 kg. Kích thước: chiều cao toàn bộ (kể cả nắp): 58,0cm; chiều cao riêng phần nắp thạp cao là: 12,5cm; đường kính miệng thạp: 39,0cm; đường kính chân đế thạp: 35,5cm; chiều cao quai thạp: 9,5cm. Đây là chiếc thạp đồng của cư dân Văn hóa Đông Sơn với kỹ thuật đúc đồng điển hình của người thợ Đông Sơn đó là cách đúc bằng khuôn 3 mang. Thạp có hình thức trang trí rất độc đáo và còn nguyên vẹn, hoa văn trang trí đẹp, có những hoa văn lần đầu các nhà khảo cổ học biết đến như hoa văn chiếc xiếm, hoa văn hình con công đang đứng trên lưng con rùa, hoa văn hình người đang ngồi trên trống đồng để đánh trống da, hoa văn người bị hiến tế đang bị giam trong khoang lầu hay bị nắm tóc để chuẩn bị hiến tế và 4 khối tượng miêu tả 4 con chó săn được tạo hình trên nắp thạp… Thạp đồng là tác phẩm mỹ thuật tuyệt mỹ, nói lên trình độ văn hiến của cư dân Đông Sơn đã khá cao so với các cư dân Đông Nam Á đương thời. Thạp không những góp phần giáo dục tinh thần yêu quý di sản văn hóa của tổ tiên, giáo dục truyền thống tự hào dân tộc bên cạnh trân trọng những văn hiến đích thực, hiếm quý của cha ông, mà còn là những bằng chứng cho thấy cách đây khoảng vài ngàn năm trước, người Việt Nam đã xây dựng được bản sắc văn hóa dân tộc riêng của mình. Niên đại của thạp đồng từ thế kỷ thứ IV-III trước Công nguyên đến thế kỷ I – II Công nguyên.
Như vậy, với 04 bảo vật vừa mới được công nhận thì hiện nay tại Quảng Nam đang sở hữu 07 Bảo vật Quốc gia. Ba Bảo vật quốc gia được công nhận trước đó là: Ekamukhalinga ở Mỹ Sơn (linga có hình đầu thần Siva) được công nhận vào ngày 11/01/2015 tại Quyết định số 53/QĐ-TTg, Đầu tượng thần Siva (đang lưu giữ tại bảo tàng Quảng Nam) được công nhận ngày 25/12/2015 tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg và Đài thờ Mỹ Sơn A10 được công nhận ngày 25/12/2021 tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg.
Cụ thể, 33 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:
1- Đàn đá Đắk Sơn, niên đại: Khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. 2- Chõ gốm, niên đại: Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay); hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo, Thành phố Hồ Chí Minh. 3- Trống đồng Vũ Bản, niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ III – II TCN; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. 4- Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Kính Hoa), niên đại: Thế kỷ III – II TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội. 5- Trống đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long), niên đại: Thế kỷ III – II TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 6- Thạp đồng Đông Sơn (Sưu tập Hoàng Long), niên đại: Thế kỷ III -I TCN; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Lương Hoàng Long, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 7- Bộ sưu tập trang sức vàng Lai Nghi, niên đại: Từ thế kỷ III TCN – giữa thế kỷ I; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam. 8- Hạt mã não hình thú Lai Nghi, niên đại: Từ thế kỷ III TCN – giữa thế kỷ I; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam. 9- Tượng đồng tê tê Long Giao, niên đại: Khoảng thế kỷ I – II; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai. 10- Đầu tượng Phật Linh Sơn Bắc, niên đại: Thế kỷ I – III; hiện lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang. 11- Mộ vò Gò Cây Trâm, niên đại: Thế kỷ IV – V; hiện lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang. 12- Tượng Avalokitesvara Bắc Bình, niên đại: Thế kỷ VIII – IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. 13- Phù điêu Shiva múa Phong Lệ, niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. 14- Phù điêu Uma Chánh Lộ, niên đại: Thế kỷ XI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. 15- Sưu tập Đầu phượng thời Lý, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XI – XII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội. 16- Sáu (06) Tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn, niên đại: Thời Lý (1118 – 1121); hiện được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 17- Bia chùa Linh Xứng, niên đại: Ngày 3 tháng 3 năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (đời vua Lý Nhân Tông, 1126); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 18- Mộc bài Đa Bối, niên đại: Ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1269); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 19- Tượng rồng Tháp Mẫm, niên đại: Thế kỷ XII – XIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. 20- Phù điêu Kala Núi Bà, niên đại: Thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên. 21- Bình Ngự dụng thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. 22- Đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài, niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại đình Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. 23- Sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long, niên đại: Thế kỷ XV – XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. 24- Khánh đá chùa Điều, niên đại: Ngày tốt tháng 8 năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (đời vua Lê Hy Tông, 1692); hiện lưu giữ tại chùa Điều, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. 25- Đôi tượng nghê đồng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. 26- Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng, niên đại: Ngày mồng 6 tháng 4, năm Minh Mạng thứ 3 (1822); hiện lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. 27- Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, niên đại: Tháng 3, năm Minh Mạng thứ 4 (1823); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tỉnh Bắc Ninh. 28- Phù điêu thời Minh Mạng, niên đại: Năm 1829; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. 29- Cặp tượng rồng thời Thiệu Trị, niên đại: Năm 1842; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. 30- Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm, niên đại: Thế kỷ XIX; hiện thờ tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. 31- Ngai Hoàng đế Duy Tân, niên đại: Đầu thế kỷ XX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. 32- Bộ kim phẩm đền Nghè, niên đại: Đầu thế kỷ XX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng. 33- Ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, niên đại: Từ năm 1954 đến 1969; hiện lưu giữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. |
Nguồn: https://qrt.vn/featured/chiem-nguong-04-bao-vat-quoc-gia-o-quang-nam-vua-moi-duoc-cong-nhan/