Hiếu ân trong trái tim người Việt
Với truyền thống ngàn đời của người dân Việt, đạo ông bà – thờ cúng tổ tiên là nét đẹp được gìn giữ, truyền lại cho thế hệ này đến thế hệ khác. Giỗ chạp, ngày Tết trong năm là thời khắc thiêng liêng hướng về tưởng nhớ tổ tiên.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đạo hiếu của người Việt trùng với lời Phật dạy, do vậy mùa Vu lan trở thành ngày hội tri ân hay lễ hội tình thương của người Việt chứ không chỉ dành riêng cho phật tử hay tăng ni.
“Xác định hiếu là đạo lý phải được thực hành, Đức Phật dạy rằng: hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật. Điều đó có nghĩa là, Đức Phật đề cao hiếu đạo là nền tảng đầu tiên, quan trọng, là con đường tất yếu để tu tập của mỗi người”, Đại đức Thích Tuệ Nhật – Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói.
“Cảm được hiếu ân là một hạnh lành và là việc làm cao quý nên khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, người dân đã nhanh chóng tiếp nhận.
Ngày nay, báo hiếu ông bà tổ tiên, người Việt không chỉ đi chùa ngày Vu lan, mà còn thể hiện phong phú bằng nhiều hành động khác, ví dụ giỗ chạp cúng chay, làm các việc thiện hồi hướng”, Đại đức Thích Tuệ Nhật chia sẻ.
Hiếu và báo hiếu
Biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên không chỉ có ý niệm mà còn thể hiện bằng lời nói, hành động thiết thực. Người dân Việt tâm niệm rằng, làm cho cha mẹ vui lòng chính là hiếu, hay lo cho cha mẹ lúc người còn sống về vật chất, tinh thần chính là báo hiếu thiết thực.
Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được dạy rằng, nếu thương ba mẹ phải ráng học cho giỏi, sống cho tốt. Với cha mẹ, đó không phải là làm gì cho mình mà con cái phải nỗ lực cho chính con. Học giỏi là rèn luyện năng lực, kỹ năng; sống tốt là trau dồi đạo đức, lối sống, để từ đó trở thành người tài đức.
Trong cố kết cộng đồng của người Việt, người tài đức là người mang lại hãnh diện lớn cho gia đình, dòng họ. Chính sự hiến tặng giá trị ấy được người dân Việt hoan hỉ hơn bất kỳ thứ gì khác. Ở đây, có thể thấy sự khéo léo uốn nắn con cái, giáo dưỡng những mầm non của người Việt rất hay nếu hiểu cho sâu mong ước của người làm cha làm mẹ.
“Trong kinh Phật, Đức Thế Tôn cũng nhiều lần nói hộ tiếng lòng của cha mẹ, kể về ân đức sinh thành. Đặc biệt là trong kinh Vu lan – Báo hiếu, Đức Phật nói, mẹ già trăm tuổi còn lo con tám mươi”, Thượng tọa Thích Thiện Thuận, thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói.
Nhiều người khi đi chùa trong tháng Vu lan – rằm tháng Bảy, khi đọc bài kinh với những câu từ như vậy hay những đoạn diễn tả sự đau, sự khổ trong khi sinh, nuôi con của cha mẹ, đã khóc. Và khoảnh khắc xúc động trong lễ Vu lan chính là lúc các thầy/ sư cô cài hoa hồng lên áo, người dẫn chương trình đọc lời cảm niệm ân cha mẹ.
Từ xa xưa, người dân Việt đã rất tinh tế khi nhắn gửi: “Sống thì chẳng cho ăn/ Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”. Thực tế, đây là lỗi khá phổ biến của nhiều người con. Khi cha mẹ còn sống ít chăm sóc, lo lắng nhưng khi mất rồi là thương, thấy tiếc nuối.
Đó có lẽ là vì đa số đều nghĩ cha mẹ mình còn đó hoài, lâu lắm; hoặc không thấy trân quý những điều quý giá đang còn, đến khi mất mới nhận ra.
Tất nhiên, không ngoại lệ, có những người con bất hiếu, sống hình thức, chỉ chăm đi đối đãi với thế gian, sĩ diện, nhưng thực chất không như vậy. Hay nói cách khác, họ diễn sâu lòng hiếu đối với cha mẹ bằng mâm cao cỗ đầy lúc cúng cha giỗ mẹ.
“Trong Phật giáo, Đức Phật dạy trong kinh Vu lan – báo hiếu rằng: Tội bất hiếu lưỡng ban nam nữ/ Nói không cùng nghiệp dữ phải mang. Cụ thể, theo quan niệm của đạo Phật thì người bất hiếu là người phạm trọng tội, bị đọa trong đường xấu ác, khổ nhất là địa ngục.
Còn trong văn hóa Việt, người bất hiếu sẽ bị xã hội quay lưng, pháp luật không dung thứ, và cũng không chỗ nào dùng được con người ấy, bởi ngay cả cha mẹ, người sinh ra, nuôi mình khôn lớn, cho đi học để trưởng thành mà còn không nhớ ơn, báo ơn thì cũng sẽ dễ phản bội, sống không có đạo lý…”, Thượng tọa Thích Trí Chơn bày tỏ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/vu-lan-trong-tam-thuc-nguoi-viet-3139704.html