(QNO) – Xã đảo Tam Hải (Núi Thành) điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn nên Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người dân vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Thiết thực nguồn vốn chính sách
Gắn bó nhiều năm ở thôn Đông Tuần (xã Tam Hải), vợ chồng bà Trần Thị Chung chọn nghề chế biến nước mắm để phát triển kinh tế gia đình. Do nguồn vốn ít, trước đây bà Chung sản xuất nước mắm nhỏ lẻ, cung cấp cho người dân địa phương.
Từ nguồn vốn vay 90 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Núi Thành, bà Chung đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm quy mô lớn, được chứng nhận sản phẩm OCOP chất lượng. Hiện sản phẩm của cơ sở đã mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu hàng năm gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.
Được UBND xã đảo Tam Hải tạo điều kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (thôn Long Thạnh Đông) vay 95 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành đầu tư lồng bè kiên cố nuôi cá bớp, cá mú. “Trước đây tôi nuôi cá thô sơ, bè nuôi chủ yếu là cây tràm hay bạch đàn. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tôi đầu tư bè bằng cây gỗ vuông cộng với lồng, phao nhựa chắc chắn nên nuôi cá đạt hiệu quả” – bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình, luôn có sự đồng hành của chính quyền xã đảo, các hội, đoàn thể, cán bộ Ngân hàng CSXH. Từ chỗ chỉ có 1 lồng bè, đến nay gia đình đã mở rộng 6 lồng bè nuôi đa dạng các loại cá. Với hình thức nuôi xoay vòng, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí, vợ chồng bà Nga lãi hàng trăm triệu đồng.
Đa dạng và chất lượng nguồn vốn
Hằng năm, thông qua các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành đã thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn để xem xét hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Bao gồm: cho vay hỗ trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó; cho vay sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm; hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo; vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường…
Chất lượng tín dụng ở Tam Hải đạt hiệu quả cao, toàn xã không có nợ quá hạn, nợ khoanh. Đặc biệt, từ cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. “Từ nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH mà người dân trên đảo làm ăn phát triển, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động và hơn 750 hộ có công trình nước sạch, vệ sinh, nhiều con em học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn để trang trải chi phí học tập” – ông Nguyễn Tấn Hùng – Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết.
Ông Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tranh thủ nguồn vốn để phân bổ xuống địa phương giúp bà con vay vốn. Nguồn vốn của ngân hàng chính sách là điểm tựa cho nhiều người dân xã đảo ổn định đời sống, thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững”.
Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng, lồng ghép các nội dung vào các nghị quyết, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát mà tín dụng chính sách được phổ biến rộng rãi, trở thành “đòn bẩy” giúp hộ nghèo, chính sách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Núi Thành, tính từ đầu năm đến nay, ở xã Tam Hải đã giải ngân hơn 12,4 tỷ đồng cho gần 228 lượt hộ vay, nâng tổng dư nợ toàn xã hơn 65 tỷ đồng, với 1.112 khách hàng có dư nợ.