Bà Đỗ Thị Minh – thôn 3, xã Tiên Lộc, Tiên Phước cho biết, chồng bà tham gia cách mạng từ 1965, sau đó bị bắt và bị đưa ra đày tại nhà tù Côn Đảo (năm 1968). Còn bà Minh tham gia cách mạng từ năm 1972. Hai vợ chồng sinh được 2 người con. Sau khi giám định tại Tam Kỳ, 2 đứa con tôi thuộc đối tượng được hưởng chính sách dành cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Qua rà soát, chính quyền địa phương cũng xác định gia đình có công và cho 2 đứa con được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Tuy nhiên, năm 2020, Sở LĐ-TB&XH loại con của bà ra khỏi danh sách được hưởng chính sách này và yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã thụ hưởng. “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn không có khả năng nộp trả, chẳng biết phải xử lý như thế nào…” – bà Minh nói.
Theo bà Phạm Thị Thông – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước, từ năm 2000, khi giải quyết chế độ cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì không giám định, chỉ căn cứ theo hồ sơ bệnh án là bị giảm khả năng lao động. Trường hợp này nhà nước sẽ trợ cấp mức tương đồng với nhóm trường hợp có giám định khuyết tật 81% để đảm bảo cuộc sống.
Năm 2018, sau đợt thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có Kết luận số 343 chỉ ra những sai sót, trong đó có việc hỗ trợ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Qua rà soát, Tiên Phước có 17 trường hợp thụ hưởng chính sách không đúng. Cụ thể, các trường hợp này đều có khả năng lao động và có công ăn việc làm ổn định.
Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH ra quyết định đình chỉ và thu hồi toàn bộ số tiền đã hỗ trợ cho 17 trường hợp này. Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước đã đến nhà từng trường hợp nắm hoàn cảnh và lập biên bản. Nguyện vọng của 17 trường hợp là không thu hồi số tiền đã thụ hưởng. Việc này Tiên Phước đã báo cáo cụ thể cho Sở LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước hướng dẫn 17 trường hợp nói trên làm đơn đề nghị không thu hồi và gửi UBND xã xác nhận hoàn cảnh. Phòng LĐ-TB-XH huyện sẽ tổng hợp, trình lên sở để gửi lên Cục Người có công (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị không thu hồi số tiền đã chi.
Qua tìm hiểu, thực hiện Kết luận số 343 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã rà soát, ra quyết định đình chỉ 535 trường hợp và thu hồi tổng số tiền 61 tỷ đồng. Song đến nay hầu hết các trường hợp không có khả năng nộp trả.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng, việc chi cho đối tượng chính sách này Quảng Nam không gian lận hay có chuyện tư lợi. Lúc đó thực hiện theo diện bảo trợ xã hội nên hồ sơ khá đơn giản, chỉ căn cứ vào kết quả điều tra hậu quả chiến tranh và hồ sơ bệnh án. Do đó, thời gian tới, Quảng Nam sẽ kiến nghị với Quốc hội không thu hồi số tiền đã chi nói trên.