Tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp
Báo cáo tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình trong tuần qua, ông Văn Bá Quang – Trưởng phòng Tài chính & kế hoạch Duy Xuyên cho hay, trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, địa phương triển khai xây dựng 27 công trình từ nguồn vốn của tỉnh và huyện với tổng mức đầu tư gần 172 tỷ đồng.
Đến nay, 24 công trình đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, còn 3 công trình đang trình thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy.
Cạnh đó, UBND huyện Duy Xuyên đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các địa phương, đơn vị triển khai 55 công trình theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn 11 xã xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Đến nay, các công trình đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phân bổ vốn để triển khai xây dựng; 2 công trình thực hiện huyện NTM nâng cao đang triển khai thi công; 7 công trình từ nguồn chi thường xuyên ngân sách huyện.
Đồng thời, đôn đốc các địa phương xác lập hồ sơ thủ tục để triển khai duy trì, nâng chuẩn xã NTM từ nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ trong dự toán ngân sách năm 2024.
Đối với việc thực hiện các công trình theo Nghị quyết số 14 (ngày 21/9/2022) của HĐND huyện Duy Xuyên trên địa bàn 14 xã, thị trấn trong năm 2024, đến nay đã được thông qua danh mục, đang hoàn chỉnh thủ tục để triển khai thực hiện.
Ông Văn Bá Quang cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của huyện Duy Xuyên (kể cả vốn được phép kéo dài) hơn 217,2 tỷ đồng; tổng số vốn giải ngân đến ngày 30/8/2024 là hơn 66,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,54%.
Trong đó, vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 gần 32 tỷ đồng và đến cuối tháng 8/2024 đã giải ngân hơn 16 tỷ đồng, đạt 50,38%; vốn năm 2024 hơn 185,3 tỷ đồng và đến cuối tháng 8/2024 đã giải ngân hơn 50,2 tỷ đồng, đạt 27,12%…
Đâu là nguyên nhân?
Lãnh đạo huyện Duy Xuyên nhìn nhận, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như các chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc xác lập hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công… thì còn có nguyên nhân khách quan do thể chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập.
Để có thể giải ngân được nguồn vốn bố trí, các chủ đầu tư phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thanh quyết toán…
Toàn bộ hoạt động này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Nhìn chung, các dự án mới thì phải triển khai bước thiết kế, dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu thông thường phải mất từ 6 – 8 tháng mới hoàn thành, tiến hành thi công và giải ngân nguồn vốn được giao.
Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là bước khá phức tạp trong việc triển khai các dự án.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Duy Xuyên chưa có mỏ vật liệu được cấp phép hoạt động. Một số loại vật liệu chính để thi công công trình như đất đắp nền đường, cát, đá xây dựng hiện vẫn đang khan hiếm và rất khó để tiếp cận hoặc giá thành rất cao so với đơn giá lập dự toán.
Hầu hết công trình chuyển tiếp hợp đồng theo hình thức trọn gói, không điều chỉnh được giá nguyên vật liệu trong dự toán, hợp đồng đã ký kết nên dẫn đến một số nhà thầu chậm triển khai, thi công cầm chừng…
Một số chủ đầu tư, đặc biệt là các địa phương còn chậm trong công tác lập hồ sơ thủ tục khâu chuẩn bị đầu tư; nhân sự, năng lực chuyên môn của bộ phận chuyên trách về lĩnh vực đầu tư, xây dựng cấp xã còn hạn chế nên hầu hết dự án đều gửi lên cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện thẩm định trước khi phê duyệt, làm ảnh hưởng đến thời gian triển khai thực hiện và công tác giải ngân các nguồn vốn…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình yêu cầu huyện Duy Xuyên tập trung rà soát, kiểm tra cụ thể các công trình; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, việc cung ứng các loại vật liệu xây dựng thông thường… để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
“Những công trình nào đã bố trí vốn đầu tư thì huyện phải tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hồ sơ quyết toán, giải ngân vốn. Trong đó, phải tập trung giải ngân 100% nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, tuyệt đối không để mất vốn…” – ông Bình lưu ý.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-o-duy-xuyen-vi-sao-dat-ty-le-thap-3141237.html