Tờ mờ sáng, cha con tôi trở dậy, lấy đèn pin đội đầu, tay cầm rổ rá, dạo ra vườn để tìm nấm mối. Sau mỗi đợt mưa lạnh kéo dài, nấm chúng thường mọc ở vùng đất ẩm thấp, khu vực có nhiều lá khô mục của keo lá tràm.
Ba tôi nói, hễ chỗ nào nấm mọc thì năm sau cứ “nhắm mắt” đến chỗ cũ hoặc khu vực gần đó, không nhiều thì ít mà nhổ. Thuở xưa, nấm mọc chi chít trên tổ mối trong các hốc đất. Tên gọi nấm mối có lẽ ra đời từ đó.
Nấm búp được hái vào buổi sớm thường tươi non hơn và hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn khi nấm đã bung dù. Tôi tròn mắt rồi hét to khi phát hiện ra họ hàng nhà nấm đội lớp lá tàn mục, nhú lên khỏi mặt đất. Nhẹ nhàng lật lớp lá ẩm ướt, chúng tôi nâng niu hái từng chiếc nấm trong niềm phấn khích.
Nấm nhổ về, làm sạch, ngâm với nước muối loãng, vớt ra để ráo và chế biến được nhiều món dân dã. Từ nấm nấu cháo, nấu canh, xào thịt, bóp gỏi… cả nhà tôi ai cũng thích. Riêng những ngày mưa rả rích, món bánh xèo nhân nấm mối nóng hổi thường được mong chờ.
Trong chái bếp củi sau nhà, bên má, bên con, từng mẻ bánh chiên giòn rụm chứa nhiều tầng hương vị: ngọt lừ của nấm, béo ngậy của dầu phụng nhà, nồng nàn của loại rau quê ăn kèm với nước chấm 3 trong 1 cay, chua, ngọt.
Khu vườn nhà tôi khá rộng, giữ nguyên dáng hình cũ dẫu qua nhiều thế hệ. Tôi vẫn nhớ cây vú sữa trước nhà, tán tỏa rộng che mát lối đi. Vào độ giêng hai, đến mùa trái chín, má mang ra chợ Thơm bán lấy tiền đong gạo.
Khoảnh đất nhỏ bên kia, mới ngày nào ba đặt từng đoạn mầm giờ đã là bụi gừng tươi tốt. Mỗi khi bắt được cá đồng, thể nào má cũng chạy ra vườn, ngắt lá vào kho cho đậm vị.
Sinh thời, ông nội tôi cũng đã chia đất trồng chè. Nếp gia đình, vào mỗi sớm tinh sương, người nhà ra vườn hái chè để hãm nước. Thêm vài lát gừng tươi đã có vị nước chè ngon, giữ mùi hương riêng biệt. Vào những ngày giáp tết, khu vườn có thêm những luống rau xanh mướt, vài bụi hoa nở thắm tươi.
Còn tôi, chờ đến kỳ thu hoạch khoai mỡ trắng. Khoai “dễ chịu” đến mức bà nội tôi luôn miệng “nấu khoai mỡ đỡ đứa vụng”. Như trả ơn gia chủ, những chùm củ to ôm ấp nhau nằm dưới lòng đất đợi tay người đến bới.
Khoai cạo vỏ, rửa sạch, xắt to bằng ngón tay. Bắc chảo dầu phụng lên bếp, phi nén vàng ươm rồi đổ khoai vào xào. Từng lát khoai bắt đầu tơi ra, mỡ màng, sôi lúp búp. Cả gian bếp dậy mùi của dầu phụng, nghệ, củ nén quyện cùng hương từ khoai mỡ.
Nhấc nồi canh ra khỏi bếp, rồi rắc thêm nắm lá nén, lá nghệ, ngò tây hay lá gừng đã được thái nhỏ, cả nhà quây quần thưởng thức.
Những thức quanh vườn bao giờ cũng làm lòng thổn thức, bởi đó là vị của quê nhà…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/vi-cua-que-nha-3147449.html