Món ngon tươi sống
Người ta chọn đi du lịch biển thường muốn thỏa mãn 2 điều – thưởng thức những món ăn từ hải sản tươi sống và đắm mình trong khung cảnh bình yên, trong lành của biển cả.
Hẳn vì điều này mà danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa được nhiều du khách lựa chọn. Nhất là giới trẻ, họ cắm trại camping hoặc tổ chức tiệc ngay trên bãi biển. Cá, mực, hàu… tươi roi rói, đủ để kéo họ về thêm vài lần.
Lê Thanh Hiếu – chàng sinh viên quê ở Nghệ An học tại Đà Nẵng rong ruổi về đây. Hiếu bảo, mình cùng nhóm bạn quyết định chọn xã đảo Tam Hải là một trong những điểm check-in của chuyến du lịch phượt lần này.
Xã đảo có 2 bến đò nên thuận tiện cho việc di chuyển bằng xe máy để cắm trại trên đỉnh núi gần Bàn Than. “Nhóm tôi mua được các loại hải sản tươi sống với giá rẻ và nhờ người dân làm các món theo yêu cầu. Điều này thú vị hơn ở các địa điểm du lịch biển khác” – Hiếu chia sẻ.
Vẫn vậy, món của người làng biển chưa bao giờ cần nhiều gia vị hay trang trí phải bắt mắt. Chỉ đơn giản mang cua, ghẹ, cá… luộc, nướng hoặc hấp. Bởi bản thân nguyên liệu đã tươi ngon, chỉ cần làm chín để giữ hương vị đặc trưng.
Bà Huỳnh Thị Thy cho biết, nhà hàng của bà níu chân được các du khách là nhờ món ngon. “Dù quán đơn sơ nằm dưới rừng dừa nhưng ai đến đây rồi đều quay lại quán để đặt món. Bởi hải sản tươi sống do ngư dân trong thôn đánh bắt mang vào mỗi sáng. Các khách ở thành phố đang có xu hướng quay trở lại với cách ăn uống dân dã, chế biến đơn giản của cha ông mình thời xưa” – bà Thy nói.
Mang quà biển về nhà
“Bí kíp” khi đi du lịch Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là nên chọn vào các tháng mùa xuân, khi đó nguồn hải sản dồi dào. Lão ngư dân Nguyễn Ngọc Thọ, thôn Thuận An cho biết, các rạn đá ở đây là nơi trú ngụ cho hàng trăm loại hải sản quý, đặc sản.
Ra tết là vụ mùa của ghẹ càng xanh và mực nang. “Ghẹ mùa này chắc thịt, chỉ tầm 6 – 7 con là được một cân, còn mực nang thì có con nặng ký rưỡi nên rất hấp dẫn” – ông Thọ chia sẻ.
Thường ngư dân sẽ về bờ vào sáng sớm nên du khách chỉ có thể mua được các loại hải sản mang về nếu chịu khó dậy sớm. Hoặc dong xe trở về trung tâm xã, nơi đó có một chợ nhỏ ven đường nhóm họp vào buổi sáng và chiều.
Trong những đặc sản mọc từ các rạn đá, rong mứt trở thành thức hàng ai cũng muốn mang về. Loại rong này thường chỉ mọc trên đá khoảng 3 tháng. Dịp cận tết là mùa thu hoạch rong mứt của người dân địa phương. Khi thủy triều xuống, họ sẽ ra các mỏm đá để bứt bằng tay. Giá 1 ký rong mứt tươi khoảng 1 triệu đồng và khô có giá hơn 3 triệu đồng. Tác dụng thanh mát, giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến nên không khó hiểu khi đây là món được du khách lựa chọn làm quà của biển.
Ẩm thực ở xứ đảo, không chỉ có cá tôm. Rong mứt rồi đến nghêu, cũng được gọi tên trong danh sách đặc sản biển khơi. Ngược qua Bãi Bấc, đi hết bãi chừng cây số là một rạn đá rộng lớn hiện ra. Đó cũng là bãi cào nghêu lớn nhất ở xã đảo Tam Hải. Ở đây người ta cào nghêu quanh năm, cứ mỗi lần nước cạn là phụ nữ tranh thủ mò dưới rạn đá hoặc trên bãi sỏi.
“Nghêu nhiều vô kể. Đây là sản vật trời ban cho quê mình. Nghêu Tam Hải thịt ngon ngọt nên rất được du khách ưa chuộng. Gần đây khách du lịch tới nhiều, họ thích mua trực tiếp từ chúng tôi để mang đi chế biến, phục vụ cho các buổi cắm trại hoặc nhờ các nhà hàng chế biến giúp” – bà Trần Thị Bích Liên, người dân xã đảo cho biết.
Chính quyền Tam Hải đã nhận ra thế mạnh của quê xứ mình. “Ẩm thực hải sản là lợi thế lớn để hấp dẫn du khách và đây cũng là lý do để họ quay trở lại Tam Hải. Các món ăn từ hải sản ở xã đảo không chỉ tươi ngon mà có giá cả khá bình dân và không lo lắng về tình trạng “chặt chém” diễn ra ở một vài nơi” – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Đỗ Kim Hùng nói.
Tô canh rong mứt vừa được dọn lên. Chưa kể, một dĩa mực hấp ánh sắc roi rói. Còn chần chờ gì nữa. Mời bạn!