Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo, giảng viên và viên chức các khoa, phòng của Trường Chính trị tỉnh, nhằm thảo luận sâu sắc về giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách, đưa ra những giải pháp cụ thể để vận dụng vào giảng dạy và nghiên cứu tại Quảng Nam.
Các báo cáo tham luận tập trung phân tích các khía cạnh của tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam”, nhấn mạnh sự linh hoạt, kiên cường trong công tác đối ngoại của Việt Nam; đề xuất nhiều giải pháp để tích hợp những tư tưởng này vào chương trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại “vừa hồng vừa chuyên”.
Qua thảo luận, các ý kiến đều nhấn mạnh rằng, xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc cùng với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Việt Nam ngày càng đạt được những thành tựu nổi bật trong ngoại giao, nhờ vào các biện pháp và ứng xử đa dạng, trường phái đối ngoại phong phú. Những thành tựu này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm và ghi nhận của giới chính trị, nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Khuê – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh (chủ trì hội thảo), tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” vừa mềm mại, linh hoạt nhưng kiên cường và vững chắc đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của đất nước.
Việc tổ chức hội thảo không chỉ giúp nhà trường khẳng định giá trị của tư tưởng này mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc vận dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu, tạo tiền đề để đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” cho Quảng Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/van-dung-noi-dung-cuon-sach-cua-co-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-vao-hoat-dong-giang-day-va-nghien-cuu-3140706.html