Ngành du lịch cần nhanh chóng đón đầu, tiếp cận, xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động du lịch.
Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng du lịch chủ động ngày càng được nhiều du khách lựa chọn. Các du khách này có nhu cầu tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn thông qua công nghệ, dùng công nghệ kết nối, chia sẻ về thông tin, tương tác điểm đến.
Vì vậy ngành du lịch cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, để hoạt động du lịch trở nên đa dạng hơn. Các ứng dụng vừa là sản phẩm trải nghiệm vừa là dịch vụ hỗ trợ trải nghiệm điểm đến, giúp du khách dễ dàng chuẩn bị trước chuyến đi, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ giá trị điểm đến, kết nối, chia sẻ, lan tỏa những hành động tích cực, ý thức bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch.
Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch còn là chất xúc tác tối ưu hóa bộ máy vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Một trong những ứng dụng công nghệ vào du lịch hiệu quả nhất là Audio Guide (thuyết minh đa ngôn ngữ).
Trên thế giới, các bảo tàng, di tích nổi tiếng hầu hết đều sử dụng công nghệ Audio Guide thay cho hướng dẫn viên, như Bảo tàng Louvre – Pháp, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan – Mỹ, Bảo tàng Quốc gia London – Anh…
Tại Việt Nam, xu hướng áp dụng công nghệ Audio Guide vào bảo tàng và di tích bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Sản phẩm này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội.
Không phải bất cứ du khách nào cũng hiểu hết được các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích/điểm đến. Khi ấy, sản phẩm Audio Guide rất phù hợp và hiệu quả. Du khách có thể chủ động nghe các bài thuyết minh theo ý thích của mình, không chịu ảnh hưởng môi trường xung quanh kể cả trong những thời điểm đông khách.
Những sản phẩm công nghệ tiên tiến như tham quan thực tế ảo 360 độ, website 360 độ, màn hình tương tác thông tin tích hợp giới thiệu điểm đến… cần được ngành du lịch nghiên cứu ứng dụng. Các sản phẩm này giúp cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, mang lại lợi ích thiết thực. Việc khai thác hiệu quả công nghệ cũng góp phần làm giàu giá trị di sản, nhằm giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn.
Chuyển đổi số trong du lịch nhằm xây dựng, định hình hệ sinh thái ứng dụng, phục vụ công tác quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ, tiện ích công nghệ cho du khách. Việc tiếp tục xây dựng dữ liệu số 3D, sách điện tử và mô hình thực tại ảo (AR) cần sớm được ngành du lịch địa phương triển khai. Tiến đến áp dụng công nghệ AI vào quản lý các hoạt động du lịch nhằm mang lại sự tiện ích, đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan.
Du lịch có thể xem là một trong những lĩnh vực đi tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Dù vậy, để chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cũng như tiện ích cho du khách vẫn còn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn.