Các huyện miền núi Quảng Nam đều khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng. Sự không đồng nhất về đặc điểm tự nhiên tạo nên những khác biệt trong cuộc sống thực tế và trong văn hóa ứng xử. Qua những sinh hoạt truyền thống, hát xướng, hội làng hay các tập quán, đều có những chỉ dấu cho thấy tục kết nghĩa đã có từ lâu đời.
Dựa vào nhau
Từ sinh hoạt hát xướng đối đáp, trao đổi tâm tình giữa các đôi trai gái, nảy sinh nhu cầu sống có nhau. Hãy nghe lời hát của người con gái Ca Dong đi lấy chồng xa: Tôi ở vùng này phải đi bắt chồng ở nơi khác…/ Tôi về ở vùng xa lạ/ Quay đằng sau không có anh em/ Không có bà con làng xóm/ Trong khi đau không có ai trông…
Cũng chính từ nhu cầu phải dựa vào nhau mà sống nên giữa các dân tộc thiểu số trên núi rừng Trường Sơn thường có tục kết nghĩa. Có nhiều loại kết nghĩa khác nhau.
Trước hết, kết nghĩa giữa những người cùng dân tộc, cùng sống chung bản làng. Kiểu kết nghĩa này bao giờ cũng là kết nghĩa giữa những người không phải bà con, hoàn toàn không có liên hệ huyết thống.
Thứ hai là kết nghĩa giữa nhóm người này với nhóm người cùng dân tộc; hoặc kết nghĩa giữa những người khác dân tộc nhưng sống gần nhau về mặt địa lý (cùng chung tiểu vùng, cùng chung ngọn núi, dòng suối, cánh rừng). Sự kết nghĩa giữa những người khác dân tộc này thường chỉ xảy ra khi thiên nhiên khắc nghiệt gây tai hại hay khi bị người bên ngoài xâm hại, bóc lột…
Người Cơ Tu – dân tộc đông dân nhất trong các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, có nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Tục “Trvin” – xoay vòng công trong việc khai thác nương rẫy, biểu hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đoàn kết nội bộ, thể hiện tinh thần tập thể.
Đồng bào Cơ Tu có “rẫy lúa của làng” để giúp đỡ những gia đình nghèo khó. Rẫy lúa này do chính thanh niên trai tráng trong bản chung tay góp sức làm nên. Đến mùa thu hoạch, lúa được chuyển về kho thóc chung của làng để có nguồn lương thực giúp đỡ những gia đình neo đơn, ốm đau, bệnh tật, không có khả năng phát rẫy để nuôi sống gia đình.
Các dân tộc ở miền núi Quảng Nam đều coi trọng việc kết nghĩa anh em. Việc giao kết thường được thực hiện sau một nghi lễ long trọng, có sự chứng kiến của thần linh và các thành viên liên quan.
Tập quán nhân văn
Lễ hội kết nghĩa có từ lâu đời, làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, lưu tình cảm đến đời con đời cháu. Các thế hệ coi nhau như anh em một nhà, có việc gì khó khăn, thiếu hụt thì giúp đỡ nhau không kể công, kể nợ.
Con cháu của hai bên không được làm hại nhau, nếu sinh ra mâu thuẫn với nhau thì thần linh sẽ phạt.
Bà con người Cơ Tu còn có tập quán kết nghĩa giữa các bản làng với nhau, giữa hai gia đình hay hai dòng họ khác nhau. “Lễ Prơngooch” của người Cơ Tu là lễ ăn thề, kết nghĩa anh em – một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, được đồng bào Cơ Tu gìn giữ.
Lễ kết nghĩa xuất phát từ nhu cầu kết thân, cũng có khi là để hòa giải tục trả đầu, xích mích với nhau trong lao động sản xuất, hoặc giải quyết các trường hợp tranh chấp về đất đai, nương rẫy, sông suối, khi phải sống cạnh nhau về mặt địa lý.
Theo dân làng, nếu không có lễ này thì đồng bào có cảm giác lo sợ mỗi khi bước vào làng khác và ngược lại. Thường thì chỉ có buôn làng lớn mới đứng ra tổ chức lễ kết nghĩa; nhờ đó, các làng nhỏ tự động làm theo, chung sống tốt đẹp với nhau.
Lễ kết nghĩa được người Cơ Tu gọi là Prơngooch có nghĩa là Prơliêm – làm mối quan hệ tốt đẹp hơn, Prơ âm – mời uống rượu với nhau để giữ mối quan hệ gắn chặt, tình nghĩa. Từ ý nghĩa đó, lễ kết nghĩa này tạo nên tính nhân văn trong mối quan hệ giữa buôn làng (Vel) với buôn làng, cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, chung sức nhau mà sống.
Trong lễ cúng thần linh (Yàng) khi thực hiện lễ kết nghĩa, thầy cúng đứng trang nghiêm quay mặt về hướng đông đón những luồng ánh sáng từ mặt trời để truyền lại cho những người kết nghĩa.
Khi tiếng chiêng kết thúc, thầy cúng khấn có ngụ ý như sau: “Ơi Yàng trời, Yàng đất, Yàng núi, Yàng sông, Yàng bên đông, Yàng bên tây hãy về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của… (tên hai người kết nghĩa), hai bên đã thực sự tốt cái bụng với nhau, hôm nay làm lễ cúng báo với các Yàng, với ông bà tổ tiên được biết, kể từ nay cho đến cuối đời, mãi mãi là anh em một nhà, sướng khổ cùng nhau, ơ Yàng!”.
Người kết nghĩa sẽ cùng ăn cơm nếp, trứng gà và chuối… để bày tỏ lòng trung thành giữa hai người, xem nhau như người trong một nhà. Các đôi nam nữ trong bản làng sẽ hát mừng những người kết nghĩa. Việc kết nghĩa giữa các dân tộc miền núi cũng thường được thể hiện trong các câu truyện cổ…
Tinh thần cố kết cộng đồng là giá trị văn hóa thể hiện nếp sống nhân văn của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam. Điều này nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa tộc người, là nhân tố tích cực mang lại sự ổn định, bình yên cho bản làng. Tinh thần này chắc chắn sẽ còn được phát huy trong cuộc sống hôm nay và mai sau!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tua-nui-ket-tinh-anh-em-3145695.html