Phê bình để tiến bộ
“Tự soi, tự sửa” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Người giải thích: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”.
Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thường xuyên tự soi, tự sửa để phát hiện và khắc phục những hạn chế của bản thân.
Tự soi để nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm của mình trong công việc, trong lối sống, sinh hoạt. Tự sửa để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm đó, không ngừng hoàn thiện bản thân.
Tự soi, tự sửa không chỉ là yêu cầu của Đảng, của Nhà nước mà cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết đã đề ra. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân, người lao động được quan tâm.
Cần đồng bộ giải pháp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm sâu, chưa đạt mục tiêu đề ra (năm 2023 tăng trưởng âm). Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo kế hoạch.
Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.
Một số tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật do vi phạm. Vấn đề nợ lương ở một số đơn vị sự nghiệp công lập đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tình trạng cán bộ còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc tự soi, tự sửa là hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né trách giải quyết công việc, đùn đẩy, trong thời gian đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo cơ quan đơn vị cần thực hiện đồng bộ giải pháp.
Theo đó, mỗi cá nhân cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tích cực tham gia các hoạt động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải xem tự soi, tự sửa không chỉ là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự soi, tự sửa. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tự soi, tự sửa của cán bộ, công chức, viên chức.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác tự soi, tự sửa. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.
Tự soi, tự sửa là một quá trình lâu dài, liên tục và không ngừng nghỉ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần kiên trì thực hiện tự soi, tự sửa để ngày càng hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam ngày càng vững mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tu-soi-tu-sua-de-nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-cong-vu-3136881.html