(Dân trí) – Lúc 14h ngày 19/9, bão số 4 đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10.
Chiều 19/9, ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, do ảnh hưởng bão số 4, sáng 19/9, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài khiến đập tràn qua thôn Thành Công bị ngập sâu, chảy xiết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã lập rào chắn, cử cán bộ túc trực hai bên đầu đập tràn, không cho người và phương tiện qua lại.
Tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, đỉnh lũ ở thượng lưu sông Mã, sông Chu và các sông nhỏ có khả năng lên mức báo động 1, có nơi trên báo động 1; hạ lưu sông Mã, sông Chu còn dưới mức báo động 1.
Lượng mưa tại các điểm đo mưa tự động như: huyện Thường Xuân 82,6mm; huyện Ngọc Lặc 81,6mm; huyện Cẩm Thủy 75,6mm. Hiện trạng độ ẩm đất của một số khu vực gần đạt bão hoà (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Đến cuối giờ chiều nay, trên địa bàn các huyện miền núi như Thạch Thành, Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân… có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất.
Lúc 14h ngày 19/9, bão số 4 đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10.
Trong 3 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị và suy yếu thành vùng áp thấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 13h, vị trí tâm bão vào khoảng 17.1 độ Vĩ Bắc; 107 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, tốc độ khoảng 20km/h.
– Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, ngày 19/9.
– Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) sẽ tạm dừng khai thác từ 15h đến 22h ngày 19/9.
– Quảng Bình di dời khẩn cấp hơn 500 người.
– Tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án sơ tán hơn 3.700 hộ với 13.600 người.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 13h, vị trí tâm bão vào khoảng 17.1 độ Vĩ Bắc; 107 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, tốc độ khoảng 20km/h.
Trước những diễn biến mưa lũ do bão số 4 gây ra, chính quyền tại Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 238 hộ với 918 người tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.
Việc sơ tán tập trung ở các huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch, huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển. Tỉnh đã phân công lực lượng kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Đến 13h hôm nay, tại Quảng Bình vẫn có mưa trên diện rộng, tuy nhiên lượng mưa không quá lớn, khu vực ven biển gió ở mức vừa, chưa gây thiệt hại đáng kể.
Tại các xã miền núi của huyện Lệ Thủy, Minh Hoá (Quảng Bình), mưa lũ khiến nước sông suối dâng cao, gây ngập nhiều ngầm tràn, tuyến đường, gây chia cắt.
Từ 12h30 ngày 19/9, hồ chứa thủy điện Bản Cốc (xã Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An) bắt đầu xả nước với tổng lưu lượng xả 11,16-300m3/s. Lưu lượng xả có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.
Cùng thời điểm, hồ chứa thủy điện Châu Thắng (xã Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An) cũng được lệnh xả tăng cường, tổng lưu lượng xả 450-1.200m3/s, cao hơn mức xả (74-500m3/s) ngày hôm qua.
Công tác đảm bảo an toàn cho vùng hạ du các công trình thủy điện nói trên đã được lên kế hoạch và triển khai đến từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Để ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4, hồ chứa nhà máy thủy điện Nậm Mô (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An); hồ chứa thủy điện thủy điện Sông Quang (xã Châu Thôn, huyện Quế Phong) cũng được lệnh xả từ ngày 18/9. Việc xả nước hồ chứa các công trình thủy điện nói trên sẽ kết thúc khi các địa phương hết ảnh hưởng của các đợt mưa lớn.
Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết, sau khoảng 2 giờ mưa lớn, kèm theo gió mạnh, đến 13h ngày 19/9, tại huyện đảo Cồn Cỏ, gió đã giảm, mưa đã ngớt.
Theo ông Cường, dù thời tiết đã tốt lên nhưng chính quyền, người dân trên đảo chủ động ứng phó, không thể chủ quan trước khi bão suy yếu.
“Các chốt trực đang được duy trì, theo dõi diễn biến của bão”, ông Cường nói.
Trưa 19/9, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực thi công kè chống sạt lở bờ sông Bồ, đoạn qua TDP Lai Thành (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), một số vị trí đất, đá bị nước mưa cuốn trôi xuống lòng sông. Đơn vị thi công đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.
Đây là đoạn sạt lở nặng, diễn ra trong nhiều năm. Mỗi khi xảy ra mưa bão, chính quyền địa phương đều phải sơ tán toàn bộ các hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn. (Ảnh: Vi Thảo).
Tại khu tái định cư bản Cựp (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có sạt lở nhẹ. Để đảm bảo an toàn, địa phương đã di dời 4 hộ với 15 khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ lống.
Còn trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tâycó sạt lở nhẹ tại Km 169+100. Người và các phương tiện hiện tại vẫn lưu thông bình thường.
Trưa 19/9, ông Trương Văn Minh, Chủ tịch xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà dân.
Theo đó, khoảng 11h cùng ngày, một lượng đất lớn bị sạt đổ xuống, khiến một nhà tại thôn Tân Lý (xã Minh Hóa) rạn nứt khu vực bếp, may mắn không thiệt hại về người.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến hiện trường di dời hộ gia đình đến nơi an toàn (Ảnh: Minh Tú).
Lúc 12h10, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) có mưa to, gió nhẹ, sóng biển vỗ mạnh. Dọc bãi biển vắng người, tàu thuyền đã được người dân đưa vào neo đậu.
Theo Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, 24 giờ tới, vùng biển ven bờ (bao gồm các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, TP Sầm Sơn, Quảng Xương, TX Nghi Sơn và đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê, Hòn Miếu, Hòn Đót) gió mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; vùng biển ngoài khơi gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-3m. (Ảnh: Thanh Tùng).
Để chủ động để đối phó lũ quét, sạt lở đất, tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án di dời hơn 3.700 hộ với 13.600 khẩu.
Tại các địa bàn trọng điểm về sạt lở, chính quyền địa phương cương quyết di dời dân đến nơi an toàn. Trên tuyến đường 71 dẫn vào khu vực thủy điện bậc thang A Lin – Rào Trăng, chính quyền xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã rào chắn, cấm đường từ ngày 18/9.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trưa 19/9, để phòng tránh bão số 4, tất cả khách sạn, nhà hàng tại Khu du lịch biển Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đều đóng cửa im lìm, đường vắng người qua lại.
Người dân tại đây đã dùng thanh sắt, thanh gỗ chằng giữ cửa nhằm bảo vệ tài sản phía trong. Trước giờ bão số 4 đổ bộ, sóng biển Thiên Cầm cao khoảng 2m. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Tại TP Vinh, Nghệ An, khoảng 11h bắt đầu xuất hiện mưa lớn kéo dài, gió thổi khá mạnh. Có thời điểm trời tối sầm, phương tiện phải bật đèn, khó khăn trong việc di chuyển do mưa dày hạt, tầm nhìn hạn chế.
Đến khoảng 11h30, nơi đây lượng mưa bắt đầu giảm.
Còn tại thị xã Cửa Lò, lúc 11h40, lượng mưa nhỏ đã xuất hiện, trong khi đó nước biển Cửa Lò dâng cao, sóng đánh mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên, một số ki – ốt nhỏ lẻ, làm sơ sài trong mùa du lịch dọc bãi biển dài gần 5km đã bị gió mạnh giật đổ.
Lúc 11h40, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, bão số 4 đang trên vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị. Sức gió vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.
Khoảng 1 giờ nữa bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Vùng gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh sẽ có gió giật cấp 6. Hoàn lưu bão số 4 sẽ gây ra mưa lớn trên diện rộng từ Quảng Bình đến Hà Tĩnh. Do mưa lớn các địa phương cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 12h, vị trí tâm bão số 4 vào khoảng 17.2 độ Vĩ Bắc; 107.1 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/h.
Sáng 19/9, sau mưa lớn, một hố sụt lún xuất hiện trong vườn nhà của gia đình bà Đoàn Thị Thức (khu phố 8, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm sụt lún cách nhà bà Thức đang ở khoảng 5m, bề mặt hố sụt lún hình tròn, rộng khoảng hơn 1m, chiều sâu gần 5m, dưới hố có nhiều nước.
Chính quyền địa phương đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo lực lượng cắm biển, hàng rào cảnh báo nguy hiểm, không để người dân đến khu vực này.
Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho biết, hiện nay trên đảo mưa tạm ngớt nhưng gió đang giật mạnh. Sức gió đo được đạt cấp 9, giật cấp 10.
Ông Cường thông tin, để đảm bảo an toàn, huyện đảo Cồn Cỏ đã khuyến cáo người dân không được ra đường. Lực lượng quân đội và chính quyền địa phương túc trực tại các điểm trọng yếu để chống bão.
“Hiện nay chúng tôi tổ chức tuyên truyền bà con không ra khỏi nhà nhằm tránh gió, mưa, cây đổ. Nếu trong vài giờ tới lượng mưa, sức gió tăng lên chúng tôi sẽ tổ chức sơ tán người dân đến nhà sinh hoạt cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn”, ông Cường nói.
Do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực đất liền Quảng Trị có mưa rất lớn. Mưa lớn, kèo theo nước ở thượng nguồn đổ về cũng khiến một số tuyến đường, ngầm, tràn ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị bị ngập. Cùng với đó, mực nước trên các sông đang ở mức dưới báo động 1.
Để chủ động ứng phó với bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý rà soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn; triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển.
Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân, là yêu cầu được Thủ tướng đặt ra.
Bên cạnh đó, ông chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông…
Thủ tướng lưu ý khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Sáng 19/9, tại nhiều địa phương như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa đến mưa to.
Thông tin nhanh về diễn biến bão số 4, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, đầu giờ chiều 19/9, bão số 4 sẽ áp sát vùng bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị.
Vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10-11. Vùng gió cấp 6, giật cấp 8 có thể mở rộng trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Từ sáng sớm 19/9, vùng hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa rất lớn cho khu vực Nam Trung Bộ. Lượng mưa trong sáng nay tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng có nơi trên 200mm. Mưa lớn còn tập trung trong ngày và đêm 19/9, gây ra nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nên chính quyền địa phương và người dân cần đề phòng.
“Hoàn lưu bão số 4 gây mưa rất lớn ở phạm vi rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ đến Tây Nguyên và Nam Bộ.
Chính vì vậy nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An” là rất lớn”.
Để ứng phó với mưa, bão, nhiều địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã cho học sinh nghỉ học từ sáng và chiều 19/9.
Bão số 4 được dự báo có sức gió giật cấp 9 nên người dân được khuyến cáo không ra đường trong thời gian bão đổ bộ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ngày 18/9, tại nhiều tỉnh, thành miền Trung đã có mưa to: Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và Quảng Nam.
Mưa lớn, gió giật cục bộ đã khiến nhiều nơi ở Đà Nẵng bị ngập cục bộ; nhiều nhà dân, cây xanh ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế bị tốc mái, gãy đổ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 sẽ đi vào khu vực đất liền từ Quảng Trị đến Quảng Bình vào chiều và tối 19/9.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão số 4, các địa phương miền Trung đã triển khai: Kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn; người dân ven biển tại nhiều địa phương đã tổ chức chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối…
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-so-4-ap-sat-ven-bien-quang-tri-20240919115221469.htm