Địa phương nỗ lực
Ông Trần Duy Quốc Việt – Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Đại Lộc cho biết, hiện nay địa phương có 3 mỏ cát đang hoạt động, bao gồm mỏ cát xã Đại Sơn (Công ty Pha Lê), mỏ cát xã Đại Hồng (Công ty Trường Lợi) và mỏ cát xã Đại Hòa (Công ty Quang Cử).
Thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Qua kiểm tra, huyện đã đình chỉ khai thác của Công ty Pha Lê trong vòng 6 tháng. Thời gian này, công ty đã hoàn thành việc khắc phục các thiếu sót trong hồ sơ pháp lý như trạm cân, camera, môi trường, bến bãi, thiết kế khai thác… Ngày 15/5 vừa qua, sau khi hồ sơ đảm bảo, huyện đã cho phép Công ty Pha Lê khai thác trở lại và yêu cầu phải tuân thủ đúng quy định về môi trường, an toàn giao thông, bãi tập kết cát…
Với 2 mỏ cát xã Đại Hồng và xã Đại Hòa, cán bộ Phòng TN-MT huyện Đại Lộc thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc khai thác đúng quy định.
Chỉ có vài thời điểm, mỏ cát xã Đại Hồng không tuân thủ việc phân luồng giao thông; số lượng xe ra, vào mỏ vượt quá số lượng quy định nên ra quyết định xử phạt hành chính. Phía công ty này đã cam kết thực hiện nghiêm theo các quy định, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực.
Cùng với 3 mỏ cát, Đại Lộc còn có 3 mỏ đá xây dựng, trong đó có 1 mỏ tạm ngừng hoạt động từ cuối 2023 do không đảm bảo quy định về bến bãi tập kết. Có 1 mỏ đất san lấp tại xã Đại Nghĩa nhưng đã tạm dừng hoạt động do có nguy cơ gây sạt lở cho các khu dân cư; có 2 mỏ đất sét tại xã Đại Tân phục vụ hoạt động nhà máy gạch.
Ông Việt cho biết, hiện nay, nhu cầu về đất, cát và vật liệu xây dựng đã trở thành vấn đề nóng ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Do đó, nguồn cát ở Đại Lộc đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ các công trình của cả 2 địa phương này. Đây cũng là gánh nặng trong công tác quản lý của huyện.
Tuy nhiên có một vướng mắc trong quản lý khai thác khoáng sản là UBND tỉnh cho phép Cục thuế Quảng Nam mua sắm máy móc, thiết bị, camera, trạm cân để giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp. Song, mới đây Cục thuế Quảng Nam đề xuất UBND tỉnh giao cho cấp huyện (trực tiếp thực hiện là Phòng TNMT) thực hiện.
“Hiện nhân lực Phòng TN-MT mỏng, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, cán bộ tham mưu khoáng sản chỉ có 1 người. Trong khi Chi cục thuế huyện Đại Lộc không tham gia giám sát, mà nhiệm vụ thuộc về Cục thuế Quảng Nam.
Khi kiểm tra, giám sát thì Cục thuế Quảng Nam phải trực tiếp tham gia, do đó việc phối hợp không kịp thời, nhanh chóng. Đề nghị việc giám sát khai thác khoáng sản cần ủy quyền cho Chi cục thuế huyện Đại Lộc để phối hợp thực hiện chặt chẽ hơn” – ông Việt đề xuất.
Tập trung gỡ khó
Ông Lê Đỗ Tuấn Khương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, 3 mỏ cát hoạt động hiện có tổng khối lượng khai thác là 136.000m3.
Tuy nhiên điều đáng lo ngại là tháng 7 này, mỏ cát tại xã Đại Hồng sẽ kết thúc thời hạn khai thác. Đây là mỏ cát có khối lượng lên đến 73.000m3, nếu ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án trong và ngoài huyện.
Để đáp ứng nhu cầu thực tế về đất san lấp và cát xây dựng, huyện đã đấu giá 1 mỏ đất san lấp tại xã Đại Nghĩa với diện tích khai thác khoảng 12ha, lượng cát ước tính hơn 7 triệu mét khối. Đến nay, hồ sơ thủ tục, phê duyệt đấu giá đã có. Đơn vị thăm dò đang tiếp tục thực hiện việc kiểm tra cụ thể về trữ lượng cát có thể khai thác.
Cạnh đó, Đại Lộc đã trình Sở TN-MT xem xét cấp phép 2 mỏ đất của 2 doanh nghiệp Hùng Thắng và Tuấn Thành – Thành Tâm. Đây là 2 doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác; đã hoàn thành đủ hồ sơ, thủ tục, thỏa thuận trong nhân nhân trước năm 2021.
Tuy nhiên, vướng mắc là Sở TN-MT yêu cầu thực hiện theo Văn bản 7733 của UBND tỉnh về tổ chức đấu giá các dự án mỏ từ năm 2021. Do đó, quy trình phải quay trở lại từ đầu, 2 doanh nghiệp này đứng trên bờ vực phá sản.
Ông Bùi Ngọc Ảnh – Giám đốc Sở TN-MT nói, toàn tỉnh chỉ có 3 địa phương có trữ lượng cát lớn là Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. Trong đó, Đại Lộc có 48 điểm mỏ có trữ lượng lớn, hiện có 3 mỏ đang hoạt động, 5 mỏ khác đang làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản.
Về kiến nghị của UBND huyện Đại Lộc xung quanh mỏ đất xã Đại Nghĩa, Sở TN-MT đã cấp phép đấu giá từ năm 2022 và yêu cầu địa phương, doanh nghiệp thực hiện việc lấy ý kiến thỏa thuận trong nhân dân để bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên địa phương khá chậm trễ trong việc lấy ý kiến, dẫn đến Sở TN-MT chưa thể trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép chủ trương tổ chức đấu giá.
Vướng mắc của 2 doanh nghiệp Hùng Thắng và Tuấn Thành – Thành Tâm, để sớm tháo gỡ thì Sở TN-MT đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét việc cấp phép theo danh mục dự án đầu tư công để không phải đấu giá. Điều này đảm bảo quy định pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận cho việc triển khai các dự án do 2 mỏ có trữ lượng lớn, đủ hồ sơ thủ tục.
“Hiện nay thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản rất nhiều, song đơn vị đã nỗ lực giảm khoảng 2/3. Các địa phương cứ mạnh dạn đề xuất, đảm bảo hồ sơ đơn vị sẽ giảm thời gian thực hiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, đấu giá” – ông Ảnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, công tác quản lý khoáng sản nếu không thực hiện tốt dễ xảy ra nguy cơ về an ninh trật tự, an ninh xã hội.
Đây là vấn đề dư luận quan tâm, có nhiều ý kiến, nhất là vấn đề quy hoạch, hiện trạng khai thác; cấp phép, cấp phép lại, đấu giá… Qua kiểm tra thực tế trên sông Vu Gia, có thể thấy Đại Lộc có trữ lượng cát rất lớn, nếu có phương án nạo vét tốt thì vừa khơi thông dòng chảy, vừa phục vụ cho các dự án, tăng nguồn thu cho huyện.
“Tinh thần phải vì mục tiêu chung, đúng quy trình, đánh giá tác động môi trường đầy đủ; công tác đấu giá công khai, minh bạch, không lợi ích nhóm. Thời gian tới, Sở TN-MT phải vào cuộc tư vấn, hỗ trợ địa phương để thực hiện tốt việc phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản ở Đại Lộc” – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.