Sáng 4/12, UBND TP.Hội An tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Tham dự chương trình có lãnh đạo Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL); lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cùng đại biểu là các thế hệ lãnh đạo, nhân dân đã tham gia đóng góp vào hành trình bảo tồn, phát triển của đô thị cổ Hội An.
Một chặng đường đáng nhớ
Tròn 25 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới – một chặng đường có thể vẫn còn quá ngắn trong chiều dài hàng trăm năm hình thành, phát triển của đô thị cổ Hội An. Song cuộc hành trình 25 năm qua mang đậm dấu ấn một thời kỳ mới của Hội An – thời kỳ các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tỏa sáng, thăng hoa.
Thời điểm năm 1999, không mấy ai hình dung được hình hài đô thị cổ Hội An sẽ như hôm nay. Từ một đô thị phải thường trực đối mặt với nhiều khó khăn, đến nay, đô thị cổ Hội An đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp nhưng vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo và là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Từ thời điểm được UNESCO công nhận, di sản văn hóa Hội An đã thực sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế – xã hội, đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thực tiễn chứng minh một cách sinh động văn hoá sáng tạo trên nền di sản của cộng đồng cư dân Hội An đã đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử thành phố và tiếp tục thích ứng, nâng lên tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các “vốn văn hoá”, “vốn xã hội”, “vốn con người” và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.
Ông Jonathan Baker – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hội An đã trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới trong công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội. Cách tiếp cận này không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa, tính tự chủ của cộng đồng mà còn đảm bảo tính bền vững thông qua sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) nói: “Chúng ta có thể khẳng định công tác bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An đã, đang đáp ứng được các nguyên tắc, các yêu cầu về bảo tồn di tích, di sản thế giới theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam đã tham gia”.
Ngày 4/12/1999, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, Quảng Nam vẫn là tỉnh duy nhất trên toàn quốc có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Không ngừng sáng tạo, thích ứng xu thế
Mới đây, Hội An đã trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Việc tham gia mạng lưới này minh chứng cho cam kết của Hội An đối với sự phát triển bền vững dựa trên nguồn lực địa phương trong bối cảnh mới với nhiều thách thức.
Cách tiếp cận này đã làm nổi bật nguồn lực văn hóa nội sinh của Hội An, chứng minh mối quan hệ đa chiều và gắn kết của Hội An với các giá trị di sản khác, đồng thời cũng là câu chuyện đầy cảm hứng về thành phố sáng tạo bắt nguồn từ di sản của cộng đồng với sự tham gia tích cực của cộng đồng vì sự phát triển của chính cộng đồng đó.
Hội An đang cố gắng không chỉ bảo tồn, trao truyền và hồi sinh nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian mà còn biến những giá trị di sản này thành tài sản quý giá bằng tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo. Những giá trị mới đang được hình thành góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Hồ Quang Bửu cho rằng, Hội An nên có kế hoạch, lộ trình cụ thể để hợp tác cùng với các di sản văn hóa thế giới trong và ngoài nước nhằm nâng tầm đô thị cổ Hội An.
Hội An cũng cần truyền cảm hứng nhiều hơn nữa với các điểm đến, di tích khác ở khu vực nông thôn địa bàn tỉnh để mạng lưới di sản trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi từ du lịch khi kết nối được với Hội An.
“Hội An cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt cũng như có lộ trình để đa dạng hóa kinh tế thành phố, tránh “bỏ trứng vào cùng một giỏ” để thích ứng với các rủi ro phi truyền thống” – ông Hồ Quang Bửu nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tron-25-nam-hoi-an-tro-thanh-di-san-van-hoa-the-gioi-3145272.html