Cơn gió lành
Gần 1.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong vòng 5 tháng qua là dấu hiệu không bình thường, tiềm ẩn nỗi bất an của nền kinh tế. Chuyện “có sinh sẽ có tử” là quy luật của thị trường, không phải là chuyện lạ. Nhưng, một khi số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa nhiều hơn hoặc ngang bằng với số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tái tham dự thị trường (831 doanh nghiệp) là con số đáng lo.
Thống kê, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5/2024 giảm 3,1% so tháng trước. Nhiều chỉ số sản phẩm giảm khá nhiều. Có nhà máy phải xin đóng cửa. Khảo sát của Cục Thống kê chỉ ra 32% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Các dự báo, phân tích của các nhà kinh tế, địa phương chỉ có thể kỳ vọng tăng trưởng nhẹ vào 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, chính quyền, cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay, chưa biết đưa ra giải pháp gì để giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ phá sản cao nhất gia tăng cơ hội sống sót, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong cơn bí bách của nền kinh tế, Nghị định 64 và Nghị định 65/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/6/2024 về gia hạn thuế và tiền thuê đất như một cơn gió lành, một liều thuốc “giải bệnh”. Chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiền thuê đất và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tạo ra diện hỗ trợ khá rộng, gần như bao trùm tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiện nay ở trong nước. Thời gian gia hạn chỉ từ 2 đến 5 tháng, nhưng có thể trợ lực cho doanh nghiệp.
Ngừng kinh doanh, sản xuất đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất đi thu nhập. Các biện pháp của nghị định được thiết kế hỗ trợ các doanh nghiệp không phải giải thể vì thiếu nguồn lực tài chính, có thể phục hồi. Chính sách này giúp doanh nghiệp có được dòng tiền cần thiết để chi trả các chi phí kinh doanh thông thường.
Ông Nguyễn Quang Phước – Giám đốc Công ty gỗ ở Duy Xuyên nói doanh nghiệp đã hoạt động cầm cự suốt nhiều tháng qua. Chính sách hỗ trợ này như một liệu pháp tinh thần, động viên, tiếp sức cho doanh nghiệp. Gia hạn, không phải giảm. Nhưng chính sách được kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trước sóng gió bất an của nền kinh tế và chờ đợi phục hồi” – ông Phước nói.
Chờ thực thi
Không như những chính sách khác đều phải mất nhiều thời gian cần đến thông tư hướng dẫn mới có thể thực hiện được thì chính sách gia hạn này có hiệu lực ngay khi ký. Theo nhận định của thương giới, việc gia hạn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế… đến 5 tháng là một dấu mốc quan trọng.
Ông Hoàng Châu – Giám đốc Công ty Kỹ nghệ sắt Hoàng Kim khẳng định chính sách này có hiệu lực ngay sẽ đem lại một nguồn lực khá lớn cho doanh nghiệp. Họ có thể có “giữ thêm” số tiền lớn trong thời gian dài để tính toán cho sản xuất, kinh doanh.
Nguồn thu thuế chỉ có thể dồi dào khi doanh nghiệp ăn nên làm ra. Không đủ thầm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, chính quyền địa phương chỉ có thể thể hiện năng lực thừa hành để giúp doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay triển khai sớm chính sách sẽ góp phần giảm gánh nặng, áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả. “Ngân sách không mất đi. Doanh nghiệp chỉ được gia hạn, nhưng họ sẽ được lợi từ tiền chậm nộp, tiền lãi vay, dành tiền ưu tiên cho chi phí doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, có điều kiện vượt qua thời điểm khó khăn” – ông Đường nói.
Cục Thuế Quảng Nam cho hay hệ thống ngành thuế có đủ dữ liệu để dễ dàng thực hiện việc gia hạn thuế cho doanh nghiệp theo đúng nghị định đã ban hành. Có thể số tiền thuế thuê đất hàng năm chưa thể tổng hợp, rà soát, rút ra được số liệu vì phải tính toán theo từng ngành nghề phù hợp với nghị định thì số thuế gia hạn đã nhanh chóng được xác lập.
Tốc độ “xử lý” triển khai thực thi chính sách khá nhanh. Ngày 17/6/2024 chính sách ban hành, một ngày sau đó 18/6, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan thuế nghiên cứu thực hiện thì chỉ một tuần sau 24/6, Cục Thuế đã đưa ra con số thuế ước sẽ gia hạn là gần 3.794 tỷ đồng, bao gồm: trên 812,1 tỷ đồng thuế GTGT, 64,9 tỷ đồng thuế TNDN và gần 2.917 tỷ đồng thuế TTĐB (số tiền thuế TTĐB dành riêng cho Tập đoàn Trường Hải).
Ông Nguyễn Quang Bảo – Tổng giám đốc Thaco Auto đã từng gửi văn bản lên UBND tỉnh cho biết, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô đã phải gồng mình chống đỡ trong những năm gần đây đến nay hầu như đã cạn kiệt nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính, thể hiện lượng tồn kho vật tư linh kiện và lượng xe thành phẩm tăng cao. Họ cần gia hạn nộp thuế TTĐB và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dù chính sách này không thể sớm áp dụng từ quý I/2024 và việc giảm 50% lệ phí trước bạ chưa được ban hành như Thaco Auto mong muốn, nhưng doanh nghiệp cũng hưởng lợi lớn từ chính sách gia hạn thuế TTĐB này. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ giấy đề nghị, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn…
Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định: “Doanh nghiệp chỉ cần xác định có được nằm trong đối tượng được gia hạn hay không? Nếu có, doanh nghiệp (không riêng Trường Hải) chỉ gửi giấy đề nghị gia hạn lần đầu. Cơ quan thuế sẽ thực hiện gia hạn các loại thuế cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 64 và Nghị định 65/2024/NĐ-CP của Chính phủ”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tro-luc-cho-doanh-nghiep-3136888.html