Bài 1: Thao thức từ lòng cát
Ngày tháng Bảy năm nào cũng vậy, vùng cát xứ Quảng như thao thức cùng những chuyện kể anh hùng.
1. Cơn mưa nghịch mùa tháng Bảy không cản được dòng người tìm về vùng đất từng một thời đạn bom ác liệt. “Quảng Nam đặt chân lên bất cứ thước đất nào cũng có thể nghe ở đó tiếng vọng từ quá khứ – một quá khứ bi thương nhưng cũng rất đỗi kiêu hùng”. Riêng quê xứ của những vùng cát xứ Quảng, hình như đâu cũng có những”nghĩa trang trên cát” dựng lên trong lòng người.
Vẫn chưa có con số thống kê về những địa đạo trong lòng đất cát xứ Quảng. Nếu có, chừng vẫn chưa thể nói hết những “căn cứ của lòng dân” đã tồn tại thế nào. Cũng thật khó để tin trong lòng đất cát lại có thể đào được địa đạo. Nhưng dưới tầng đất sỏi, trên cùng là lớp cát trắng của vùng ven biển, đã từng một thời che chắn cho nhiều cuộc đời trong lòng đất.
“Đất Quảng – trong chiến tranh, hình như luôn tồn tại những ngôi “làng đào hầm”. Hầm để trú ẩn, để “có những đoàn quân từ trong lòng đất xông lên bạt vía quân thù”. Đó là những huyền thoại trong lòng đất, mà mỗi câu chuyện được kể lại, đều lấp lánh tự hào về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước”.
Vùng đất phía đông của xứ Quảng, đã có những người vừa giỏi tay cuốc tay cày, vừa là những người giỏi “lặn sâu” vào lòng đất. Chính họ đã khai phá ra được, thật ra, sâu dưới lòng cát trắng là những tầng đất vững. Địa đạo ở thôn Ngọc Mỹ (Tam Phú, Tam Kỳ), địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng, Tam Kỳ) hay địa đạo của thôn Bình Túy (Bình Giang, Thăng Bình) cũng vậy. Đều là những địa đạo trong lòng đất, nằm sâu dưới tầng cát.
Tôi nhớ những ngày của năm 2014, khi người dân Bình Giang tìm thấy một hệ thống địa đạo bọc khắp làng Bình Túy. “Những năm 1963 – 1964, khi giặc Mỹ thực hiện những trận càn quét ác liệt với mật độ ngày càng dày, những hầm hào như nhân dân sử dụng phòng tránh lâu nay không chịu nổi cường độ đánh phá của bom và pháo kích, thì vấn đề đào địa đạo chạy xuyên suốt theo bờ tre được đem ra bàn bạc” – theo lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang.
Hệ thống địa đạo dài hơn 3km, nằm sâu hơn 3m trong lòng đất, được đào theo những bờ tre dọc đường làng. Địa đạo Bình Túy gắn liền với sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trương Thị Xáng, khi cứu thoát 300 người ẩn náu dưới địa đạo lúc Mỹ mở trận càn quét vào tháng 2/1965.
Hình ảnh ông Trương Hoàng Lâm – em trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trương Thị Xáng, một người đàn ông trung niên chui sâu vào địa đạo sau những ngày phát lộ của tròn 10 năm trước, vẫn đầy ấn tượng với những người chứng kiến.
Sau 3 năm được người dân phát lộ, hệ thống địa đạo Bình Túy được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh (năm 2017). Bây giờ, trước sân nhà ông Lâm vẫn là khóm thờ Anh hùng Lực lượng vũ trang Trương Thị Xáng.
Hầm địa đạo được bảo quản để không sụt lún. Và người đàn ông tuổi đã về già này vẫn thường đón các đoàn thanh thiếu niên tìm về “địa chỉ đỏ”, nghe chuyện lịch sử đấu tranh anh hùng của vùng đất quê mình.
2. Đất Quảng – trong chiến tranh, hình như luôn tồn tại những ngôi “làng đào hầm”. Hầm để trú ẩn, để “có những đoàn quân từ trong lòng đất xông lên bạt vía quân thù”. Đó là những huyền thoại trong lòng đất, mà mỗi câu chuyện được kể lại, đều lấp lánh tự hào về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước.
Địa đạo Kỳ Anh – chiến hào trong lòng đất có quy mô lớn thứ 3 cả nước, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt hơn khi đây là hệ thống địa đạo được đào ở vùng đất cát.
Ông Huỳnh Kim Ta – người dân, đồng thời là người hướng dẫn ở khu Di tích quốc gia Địa đạo Kỳ Anh từng chia sẻ, khác Vịnh Mốc (Quảng Trị) hay Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), địa đạo Kỳ Anh phải được đào xuyên qua tầng đất cứng, đất sét, đất như đá ong mới không bị sụt lún.
Người dân đào địa đạo hoàn toàn bằng các công cụ thủ công và dùng sức người là chính như cuốc, xẻng, xà beng và dùng mủng, thúng để đem đất đổ đi nơi khác.
Lực lượng đào địa đạo chính là bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên. Để thấy, nếu không có những sự đồng lòng, thật khó làm nên những câu chuyện huyền thoại từ lòng đất cát.
Xã anh hùng Bình Dương (Thăng Bình) năm nay bước qua tròn năm thứ 60 quê nhà giải phóng (9/1964). Và nay vùng đất cát Bình Dương đã ngoạn mục làm nên diện mạo mới.
Những năm chống Mỹ, Bình Dương là một xã nhỏ chỉ toàn cát và cát. Dân số những năm chiến tranh chưa đến 5.000 người, nhưng đi qua hết cuộc chiến, Bình Dương có tới 1.367 liệt sĩ và 272 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Những ngày sau hòa bình, Bình Dương gần như phải làm lại từ đầu. Cho đến bây giờ, mốc thời gian 60 năm đủ để những thanh niên xung phong chiến trường thuở ấy, đã người còn người mất.
Nhưng cuộc trở mình của đất này đủ để họ tự hào về danh xưng anh hùng đã 3 lần được trao cho quê xứ mình. Bây giờ, Bình Dương gần như trở thành vùng kinh tế động lực của huyện Thăng Bình với lợi thế về vị trí và tiềm năng.
Trở lại vùng cát trắng Tam Thăng, đã không còn nghe những tiếng thở dài vì một vùng đất khó – ngoại ô tỉnh lỵ. Trở thành vùng đất lành của những nhà đầu tư, những nhà máy xí nghiệp mọc lên trên vùng cát trắng.
Chưa kể, một vệt dự án du lịch sinh thái, văn hóa sông Đầm – địa đạo Kỳ Anh đang nối dài thêm những hy vọng cho người dân xứ này. Tam Thăng cũng như những vùng cát Thăng Bình, đều nằm ở cánh đông. Vận hội mới liên tục mở ra ở miệt đất cánh đông, như một sự công bằng của lịch sử.
Trong chiến trận, đất và người vùng Đông dựng nên những “Chiến hào trong lòng đất”. Thì nay, hạt cát “trở mình” để làm nên kỳ tích của hòa bình…
——————-
Bài 2: Đất thép dưới mưa bom
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tro-lai-nhung-vung-dat-lua-bai-1-thao-thuc-tu-long-cat-3138357.html