Là chủ vườn ươm và cung cấp cây keo giống ra thị trường lớn nhất của huyện Hiệp Đức, song những năm gần đây, ông Đức thấy cây keo chỉ phù hợp trồng đại trà, dễ bị ngã đổ vào mùa mưa bão, phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Từ đó, ông Đức trăn trở và tìm tòi, nghiên cứu nguồn giống cây mới để nhân rộng và cung cấp cho người dân địa phương trồng và với hy vọng góp phần giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Đức kể, năm 2023 được bạn bè giới thiệu cây dó bầu khi cấy ghép với cây kỳ nam sẽ tạo ra trầm hương, thời gian hoạch tương đương với cây keo nhưng giá thành cao, không lo ngã đổ, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
Từ đây, ông Đức sang Trung Quốc tìm hiểu, học hỏi phương pháp cấy ghép giữa hai loại cây này. Sau khi tiếp thu được vốn kiến thức, ông mua đặt mua 100 cây kỳ nam với giá 200 nghìn đồng/cây mang về trồng thử và cấy ghép với cây dó bầu ở vườn ươm, bước đầu vườn cây giống phát triển tốt.
Để tạo trầm hương hiệu quả, ông Đức trồng cây dó bầu khoảng 2 năm và cắt lấy phôi cấy ghép với cây kỳ nam. Cây ghép phát triển khoảng 5 năm, ông sẽ khoan lỗ vào thân để cây kéo lành vết thương và tạo tinh dầu trầm và khoảng 7 năm thì thu hoạch.
“So với trồng keo thì trồng dó bầu để tạo trầm hương mang lại giá trị kinh tế cao và không lo thị trường tiêu thụ vì sản phẩm trầm hương có thể phân loại và chế biến nhiều sản phẩm như trầm cảnh, vòng đeo tay, tinh dầu làm dược liệu… Bình quân mỗi cây có thể cho khoảng 0,5 – 1,5kg trầm hương, thu nhập đem lại khoảng 5 triệu đồng/cây” – ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cho biết thêm, để hạn chế cây ngã đổ vào mùa mưa bão, ông cho nhân công cắt tỉa cành cây dó bầu. Loại cây trồng này không chỉ cho trầm hương mà còn có thể khai thác được các sản phẩm phụ như lá để làm trà uống nước giúp phòng ngừa các bệnh tiểu đường, mỡ trong máu, phế phẩm làm nhang thắp…
Hiện nay, ông Đức đang trồng thử nghiệm khoảng 3.000 cây dó bầu đã được cấy ghép với kỳ nam trên diện tích khoảng 0,5ha và bán ra thị trường khoảng 1000 cây giống với giá dao động 150 – 500 nghìn đồng/cây.
Thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng diện tích trồng lên 2ha và tiếp tục nhân giống để cung cấp cho người dân địa phương cùng trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
[VIDEO] – Ông Đức chia sẻ về cấy ghép tạo trầm hương tự nhiên:
Theo các nhà khoa học, trầm hương sinh ra từ cây dó nhưng không phải loài dó nào cũng tạo ra trầm, chỉ có những loài dó (Aquilaria) thuộc họ trầm hương (Thymelaceae) mới có khả năng tạo trầm. Hiện nay, có 3 giống dó cho trầm dễ nhận biết là: dó bầu, dó me và dó gạch. Trong đó, loài dó bầu của Việt Nam cho trầm tốt nhất thế giới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/trien-vong-tu-tao-tram-huong-bang-ky-thuat-cay-ghep-3149501.html