Những người cao niên ở xã Cẩm Thanh sẽ không thể nào quên sự kiện ngày 27/9/1964 khi lực lượng quần chúng với súng bẹ dừa và cơ sở nội ứng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trụ sở ủy ban hành chính xã và cùng với cơ sở cách mạng đã làm tê liệt bộ máy của chính quyền Sài Gòn ở các thôn.
Ngay trong đêm 27/9, nhân dân xã Cẩm Thanh đã tập trung về tại đình làng Thanh Nhứt dự cuộc mít tinh tuyên bố Cẩm Thanh được giải phóng.
Việc giải phóng xã Cẩm Thanh đã mở đầu cho phong trào “Diệt ấp, phá kềm” giải phóng các xã nông thôn ở Hội An. Cẩm Thanh được giải phóng không chỉ có ý nghĩa đối với quân và dân Cẩm Thanh mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào cách mạng của Hội An.
Cẩm Thanh trở thành căn cứ địa, vừa là tiền phương vừa là hậu phương của Hội An trong suốt hơn 10 năm kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Ra khỏi chiến tranh, đối mặt với vùng đất hoang hóa, đồng chua, nước mặn, người dân nơi đây đã thực hiện một cuộc “đồng khởi” khác về kinh tế.
Ông Bùi Minh Thuận – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho hay, từ chỗ là địa phương phải thường xuyên nhận sự cứu trợ mỗi khi vào mùa mưa bão, đến nay trên địa bàn Cẩm Thanh chỉ còn 5 hộ nghèo diện bảo trợ xã hội (chiếm 0,2%), và 7 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,29%).
Năm 2020, xã Cẩm Thanh được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao; đang phấn đấu 6/6 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Những cánh rừng dừa nước “che bộ đội, vây quân thù” năm nào ở Cẩm Thanh nay đã trở thành thương hiệu du lịch có sức hút lớn. Năm 2023, Khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh đã được UNESCO công nhận đạt danh hiệu “Điểm đến du lịch tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương”.
Năm 2024, trải nghiệm thuyền thúng ở rừng dừa Cẩm Thanh lọt vào tốp 25 trải nghiệm trên thuyền hấp dẫn nhất thế giới. Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh cũng vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du lịch phát triển đã mang lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng cư dân địa phương, tạo ra những đổi thay mạnh mẽ, cải thiện đáng kể đời sống người dân.
Năm 2023, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch – dịch vụ trên địa bàn xã Cẩm Thanh đạt khoảng 465 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán vé tham quan đạt 27,5 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động lưu trú đạt hơn 71,8 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động vận chuyển đạt khoảng 91,9 tỷ đồng.
“Không ai ngờ rằng, từ một vùng quê nghèo khó, hoang vu mà hiện tại Cẩm Thanh có đến 103 cơ sở lưu trú đang hoạt động gồm đủ loại hình như khách sạn, biệt thự, homestay… với hơn 1 nghìn phòng” – ông Thuận nói.
Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã xác định từ năm 2005 xây dựng Cẩm Thanh trở thành một làng quê đặc thù gắn với bảo tồn bền vững cho tương lai một không gian sinh thái nguyên vẹn của vùng cửa sông ven biển.
Nỗ lực phấn đấu xây dựng Cẩm Thanh trở thành làng quê sinh thái, giàu đẹp, văn minh là quyết tâm, là sự cam kết trách nhiệm của tất cả mọi người ở Cẩm Thanh đối với quá khứ, đối với thế hệ đi trước để xứng đáng với tinh thần quê hương đồng khởi.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tren-que-huong-dong-khoi-3141979.html