Cơ hội mới
Quảng Nam được đánh giá là địa phương có hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng, đặc sắc phân bố trải khắp các vùng. Với việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng như khu/ điểm du lịch, Quảng Nam dần mở rộng thương hiệu du lịch ra ngoài phạm vi hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn.
Sau khi hình thành tuyến đường Võ Chí Công (đường 129 ven biển), du lịch phía nam Hội An đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với việc nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như Hoiana, Vinpearl Nam Hội An, TUI Blue Nam Hội An… Trong khi đó, với sự xuất hiện của Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, trục du lịch Đông – Tây từ Hội An lên vùng cao đã có thêm lối mở.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn FVG Travel đã đề nghị cơ quan quản lý địa phương xem xét nghiên cứu để có công bố chính thức về 2 cung đường du lịch, có hướng tuyến cụ thể. Bao gồm: Tuyến đường du lịch Đông – Tây (Hội An – Mỹ Sơn – Đông Giang) và tuyến đường du lịch ven biển (Hội An – Nam Hội An – Tam Kỳ – sân bay Chu Lai).
Việc công bố sẽ giúp các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch có thêm cơ sở để xúc tiến, mở rộng đầu tư tạo ra sự đột phá cho 2 cung đường có tiềm năng rất lớn về du lịch này. Tập đoàn FVG cũng cam kết với trách nhiệm là chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ nâng cấp quy mô điểm đến này trong giai đoạn 2025 – 2030 để đáp ứng phục vụ khoảng 1-3 triệu lượt khách mỗi năm.
Liên kết để phát triển
Bà Võ Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FVG Travel cho rằng, việc kết nối các điểm du lịch với các nền văn hóa đa dạng của Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu tại Đông Giang thành một “cung đường vàng” du lịch là sự cần thiết để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu trong phát triển du lịch Quảng Nam.
Ngoài ra, điều này có thể giúp thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia dọc cung đường trong việc tổ chức các điểm dừng chân, nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm… tạo ra nhiều công ăn việc làm góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương.
Hướng tuyến của hai cung đường du lịch này không mới và đi qua nhiều điểm đến cũng như khu vực có tài nguyên du lịch quan trọng của Quảng Nam.
Tại một hội thảo về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, dải bờ biển từ phía nam cầu Cửa Đại đến Tam Tiến sẽ sớm trở thành trung tâm mới về nghỉ dưỡng biển cao cấp ở Việt Nam.
Hiếm có khu vực nào ở nước ta thậm chí là ở các nước khác cùng một lúc hội tụ bờ biển dài, đẹp, khí hậu tương đối ổn định kết hợp với hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên hữu tình như vậy.
Còn với tuyến du lịch Đông – Tây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá, hành trình du lịch Hội An – Mỹ Sơn – Đông Giang là một trục du lịch độc đáo, hiếm có trong khu vực với nhiều giá trị đặc sắc cả về thiên nhiên và văn hóa. Các điểm đến trên trục này đang tích cực tạo thêm nhiều sản phẩm mới và sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai.
Có thể thấy, nếu có thêm nền tảng về quy hoạch du lịch, một số khu vực sở hữu các điểm đến tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng như TP.Tam Kỳ và các địa phương vùng cao sẽ gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, việc đề xuất công bố hai cung đường du lịch này mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp. Sở VH-TT&DL sẽ rà soát, nghiên cứu cụ thể trước khi đề xuất tỉnh có quyết định chính thức.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tren-nhung-cung-duong-du-lich-xu-quang-3144197.html