Điểm đến lịch sử kết hợp văn hóa
Khu căn cứ Nước Oa tại xã Trà Tân (Bắc Trà My) là vùng đất an toàn khu của Khu V, là địa bàn chiến lược quan trọng của cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V trong kháng chiến chống Mỹ. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của Khu di tích Nước Oa, ngày 29/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ – Nước Oa trên tổng diện tích 700ha. Hiện nay, tại quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ – Nước Oa đã có 11 điểm di tích, khu lưu niệm, bia tưởng niệm đã và đang trùng tu, xây mới.
Trong số 11 điểm di tích thì có 3 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, bao gồm: Khu căn cứ lịch sử – văn hóa Nước Oa, Bia di tích Ban Kiểm tra Khu ủy khu V, Bia di tích Ban Tổ chức Khu ủy khu V. Các điểm di tích, khu lưu niệm, nhà bia, đài tưởng niệm đã được tỉnh đầu tư, huyện Bắc Trà My phục dựng, xây mới nhằm lưu giữ, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân Khu V, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đồng thời phục vụ hoạt động tham quan, du lịch.
Về vùng cao Bắc Trà My, du khách có thể cùng trải nghiệm nhiều lễ hội như ăn trâu huê, đấu chiêng, Tết mùa CàZim… Đây cũng là một trong những nét đẹp của người Co vùng cao Bắc Trà My sau mùa thu hoạch lúa rẫy hằng năm. Riêng Tết mùa Cà Zim là phong tục lâu đời của người Co, cầu xin cho mưa thuận gió mùa, ước mong một mùa rẫy mới bình an đã được lưu truyền và gìn giữ.
Tại làng Cao Sơn, xã Trà Sơn, du khách sẽ được hòa mình cùng với tiếng trống, tiếng chiêng sôi động và những điệu múa của đồng bào Ca Dong nơi đây.
Từ những hoạt động trong lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, đồng bào Ca Dong huyện Bắc Trà My đã sáng tạo ra rất nhiều điệu múa như điệu ca bô, điệu ra nhóc, điệu múa say men rượu… để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con sau những ngày lao động vất vả và trong các ngày hội của làng.
Chị Hồ Thị Thơm (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn) nói: “Đến với làng Cao Sơn, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm đan lát các sản phẩm thủ công truyền thống, xâu các chuỗi hạt cườm đầy màu sắc là trang sức không thể thiếu của phụ nữ Ca Dong. Chúng tôi còn làm cơm lam, các loại bánh, giã gạo… sẽ giúp mọi người hiểu hơn về đời sống, văn hóa truyền thống địa phương”.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng
Tại huyện Bắc Trà My, có một điểm đến trong mùa xuân này phục vụ du khách gần xa, đó là Làng Mường thu nhỏ ở xã Trà Giang. Gần 40 năm vào định cư tại huyện miền núi Bắc Trà My, 122 hộ đồng bào dân tộc Mường với hơn 440 nhân khẩu đang sinh sống tại xã Trà Giang, hầu hết đều là bà con người Mường đến từ huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình).
Người Mường thường đánh chiêng trong các ngày Tết Độc lập (2/9), Tết Nguyên đán hay các lễ, hội riêng của dân tộc mình. Tiếng chiêng con, tiếng chiêng mẹ sẽ cùng hòa tấu tạo nên thanh âm rộn ràng. Các cô gái người Mường cùng nhau múa điệu sênh tiền vui mừng sau mùa thu hoạch.
Cùng với đó, người Mường tại xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My còn tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, múa sạp, đánh mảng… trong các dịp lễ, tết. Trò chơi đánh mảng thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn của người chơi và thể hiện sự kiên trì của người Mường trong việc chinh phục các bước từ dễ đến khó, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng.
Huyện miền núi Bắc Trà My còn có rất nhiều điểm du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn mà du khách có thể ghé thăm trong những ngày xuân.
Đó là lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, thác Nước Ví (xã Trà Kót), thác Năm Tầng (xã Trà Giang), thác Nước Oa (xã Trà Tân), thác Bà Nô (xã Trà Bui)…, và hệ thống sông suối tự nhiên với môi trường trong lành. Du khách cũng có thể thong dong, trải bộ trên những cánh đồng mía yên bình, cầu treo soi mình theo bóng nước.
Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa nhằm phục dựng, giữ gìn và giới thiệu các nét đẹp văn hóa của địa phương đến với du khách.
Huyện cũng triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch như quảng bá điểm đến Bắc Trà My trên cẩm nang du lịch Việt Nam. Xây dựng, đưa vào sử dụng “app” du lịch Bắc Trà My, phát hành sổ tay du lịch Bắc Trà My, tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch…
Để du lịch phát triển tốt hơn, huyện đã có cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư khai thác, phát triển du lịch. Đồng thời huyện cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham quan học tập tại các địa phương và đơn vị bạn về khai thác phát triển du lịch cho cán bộ và người dân để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/trai-nghiem-du-xuan-o-vung-cao-son-ngoc-que-3148099.html