Tại đây, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân với các hoạt động giúp giảm phát thải cho địa phương và cho chính mình.
Hộ chiếu xanh sáng tạo
Du khách tham gia tour du lịch đặc biệt sẽ được tạo một “hộ chiếu” riêng biệt – là bản ghi chi tiết về những trải nghiệm và hoạt động của mình tại địa phương.
Theo ông Võ Văn Phong – Tổng giám đốc Công ty C2T, Bến Tre, thì hộ chiếu này có hai mục đích. “Thứ nhất, là vật kỷ niệm của chuyến đi, đồng thời là công cụ để theo dõi lượng khí thải carbon của họ. Họ tự ghi lại tỉ mỉ trong đó mọi hoạt động từ việc đi xe đến Bến Tre, thưởng thức các món tôm địa phương, tiêu thụ nước, cho đến hái trái bần và nghe đờn ca tài tử” – ông Phong nói.
Mục tiêu của hộ chiếu này vượt xa việc chỉ ghi chép thông thường khi nó mang tính chia sẻ với du khách về những hệ quả tác động môi trường trong các hoạt động của mình.
Ví dụ, khi thưởng thức một con tôm lớn, họ được khuyến khích thả một con tôm nhỏ hoặc một lượng trứng tôm lớn trở lại môi trường nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái.
Mỗi mục trong hộ chiếu phản ánh sự hỗ trợ của người sở hữu đối với nông dân địa phương. Từ mua các sản phẩm bản địa như kẹo dừa, trồng cây bần đóng góp cho môi trường. Kẹo dừa dù là sản phẩm có gây ra khí thải carbon, nhưng chỉ số vẫn khá thấp vì được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Chưa kể, cách tạo việc làm và củng cố nền kinh tế địa phương cũng góp phần phát triển du lịch bền vững.
Hộ chiếu cũng giúp du khách nhận thức về lợi ích của việc mua trực tiếp từ nhà sản xuất địa phương thay vì trong các siêu thị ở thành phố – nơi có dấu chân carbon cao hơn vì phải vận chuyển hàng hóa đi xa và sử dụng máy lạnh.
Khách du lịch còn có thể ghi lại lượng khí CO2 mà họ đã thải ra trong chuyến đi và khám phá cách bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần hoặc mua các sản phẩm nông nghiệp và thủ công.
Trồng cây vì tương lai
Một trong những hoạt động chính được khuyến khích trong mô hình du lịch bền vững tại Bến Tre là trồng cây. Du khách có thể mua phân bón hữu cơ từ vỏ dừa để trồng cây tại nhà hoặc mua lá và hoa dừa làm quà. Họ còn có thể đầu tư vào cây dừa – loại cây được cho là hấp thụ khoảng 150kg CO2 mỗi năm. Sáng kiến này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đảm bảo cho nông dân tiếp tục trồng và duy trì cây dừa.
Giá của một cây dừa thay đổi tùy theo tuổi và sản lượng trái. Các cây trưởng thành có giá hơn do năng suất cao hơn. Ví dụ, một cây dừa 5 tuổi, cho khoảng 10 trái, có thể bù đắp đáng kể lượng khí thải carbon chuyến đi của một du khách.
Và du khách sẽ trả 1,5 triệu đồng cho một năm nếu muốn “trồng” tiếp loại dừa 30 năm tuổi và có thể uống nước dừa đến 150 trái được công ty C2T gởi tới tận nhà. Nếu không có nhu cầu, C2T cam kết mua lại nhưng với giá 1 triệu đồng.
Cây bần – nổi tiếng với những lợi ích môi trường, là yếu tố quan trọng khác của sáng kiến nói trên. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi xâm nhập mặn, xói mòn đất và lũ lụt là những vấn đề lớn, việc trồng cây bần rất quan trọng.
Loại cây này giúp ngăn chặn xói mòn và hỗ trợ môi trường. Một cây bần trồng trong 5 đến 7 năm có thể hấp thụ khoảng 9kg CO2 mỗi năm. Du khách được khuyến khích trồng nhiều cây để bù đắp lượng khí thải carbon của họ, tạo thêm tinh thần trách nhiệm cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Sáng kiến này cũng giáo dục du khách về tác động rộng lớn hơn của khí thải carbon do chính mình tạo ra. Trung bình, một người Việt Nam thải ra khoảng 3 tấn CO2 mỗi năm. Thông qua các hoạt động như trồng cây và hỗ trợ nông nghiệp địa phương, du khách có thể giảm đáng kể dấu chân carbon của họ.
Cách tiếp cận du lịch tại Bến Tre cùng mục tiêu “net zero” – đánh dấu sự chuyển đổi sang mô hình nơi cả nhà cung cấp và người tiêu dùng dịch vụ du lịch đều chia sẻ trách nhiệm về sự bền vững.
Ông Võ Văn Phong – Tổng giám đốc Công ty C2T chia sẻ, mô hình đang thu hút chủ yếu du khách có thu nhập cao, có trình độ học vấn và mong muốn để lại dấu ấn tích cực ở khu vực địa phương.
Bằng cách kết hợp các hoạt động thú vị với những đóng góp ý nghĩa cho môi trường và kinh tế địa phương, hình thức du lịch này tạo ra những cảm xúc tích cực và cảm giác hài lòng lâu dài cho du khách. “Sáng kiến du lịch bền vững tại Bến Tre nhằm đi tới mục tiêu cuối cùng là làm cho du khách cảm thấy hài lòng và mãn nguyện, biết rằng chuyến đi của họ vừa thú vị vừa có lợi cho môi trường và cộng đồng địa phương; cũng là nền tảng của một trải nghiệm du lịch có trách nhiệm và phong phú” – ông Võ Văn Phong chia sẻ.
Thách thức lớn đối với du lịch bền vững là ý thức của du khách. Cạnh đó, hạ tầng cơ sở chưa đầy đủ, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan và nguồn lực đầu tư cũng là những thách thức lớn đối với việc thúc đẩy du lịch bền vững. Trong thị trường du lịch, sự cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch, cũng như vấn đề doanh thu sẽ khiến họ dễ dàng sa vào việc khai thác tài nguyên, không tuân thủ nguyên tắc bền vững.
Thách thức lớn đối với du lịch bền vững là ý thức của du khách. Cạnh đó, hạ tầng cơ sở chưa đầy đủ, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan và nguồn lực đầu tư cũng là những thách thức lớn đối với việc thúc đẩy du lịch bền vững. Trong thị trường du lịch, sự cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch, cũng như vấn đề doanh thu sẽ khiến họ dễ dàng sa vào việc khai thác tài nguyên, không tuân thủ nguyên tắc bền vững.