Theo thống kê (tính đến 15/12/2024), tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu hơn 1.780 tấn, tăng 474% so cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: xuất khẩu 22,964 tấn (tăng 1,4%), nhập khẩu 20.485 tấn (tăng 1,6%); tạm nhập, tái xuất 257.378 tấn (tăng 100%) và quá cảnh hơn 1 triệu tấn (tăng 591%).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 20% (103,36 triệu USD), gồm: xuất khẩu tăng 22% (26,45 triệu USD) và nhập khẩu tăng 19% (76,91 triệu USD). Thu thuế VAT đạt 134,5 tỷ đồng (tăng 2,44%), chủ yếu từ điện, gỗ xẻ các loại.
Tổng phương tiện xuất, nhập cảnh qua lại cửa khẩu cũng tăng đến 352% (112.156 lượt), gồm: xuất cảnh tăng 353% (57.021 lượt), nhập cảnh tăng 352% (55.135 lượt). Số lượng người xuất nhập cảnh tăng 45,5% (181.807 lượt người). Tăng nhiều nhất là số người Việt xuất nhập cảnh (bao gồm cư dân biên giới), tăng 59,3% (167.089 lượt người). Số người nước ngoài xuất, nhập cảnh giảm 41% (14.718 lượt người).
Số người nhập cảnh được kiểm dịch y tế 94.994 lượt tăng 118% (99.994 lượt người) và số phương tiện nhập cảnh được kiểm dịch y tế tăng 344% (59.143 lượt người).
Phó Giám đốc Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Nguyễn Hữu Tiến cho biết, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu gồm: tạm xuất, tái nhập máy móc, thiết bị, xuất khẩu vật tư, vật liệu thi công, sửa chữa công trình thủy điện bên Lào, hàng tiêu dùng tạp hóa. Hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: tái nhập máy móc, thiết bị thi công công trình thủy điện bên Lào. Hàng quá cảnh chủ yếu là tinh bột sắn, quặng nhôm bauxite (Lào quá cảnh qua Việt Nam ra cảng Đà Nẵng, Chân mây và cảng THACO về Trung Quốc).
Theo Ban Quản lý cửa khẩu, hiện nay, vào giờ cao điểm, hai bên cửa khẩu lưu lượng phương tiện chở quặng chờ làm thủ tục xuất, nhập cảnh rất lớn. Tình trạng ùn ứ phương tiện kéo dài nhiều cây số xảy ra thường xuyên vào chiều tối.
Ban quản lý cửa khẩu kiến nghị các lực lượng chức năng hai bên cửa khẩu (Việt Nam và Lào) chia sẻ thông tin về các sự cố (cúp điện, kẹt xe, cấm đường…) để có phương án phối hợp xử lý phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho phương tiện qua lại cửa khẩu.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT chưa có quyết định thành lập Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Nam Giang nên Chi cục kiểm dịch thực vật vùng III chưa có nhân lực để bố trí làm việc trực tiếp tại cửa khẩu. Ban quản lý cửa khẩu đề nghị Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp bố trí khu đất cho Trạm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu để xây dựng khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền; sớm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống bốt gác, barie tại khu vực cửa khẩu, kiểm soát người, phương tiện qua lại cửa khẩu.
Ưu tiên đầu tư xây dựng bến đậu đỗ cho phương tiện chờ làm thủ tục nhập khẩu và bến đậu đỗ phương tiện chờ làm thủ tục xuất khẩu; đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường trục chính trong phạm vi cửa khẩu. Kinh phí sẽ được sử dụng từ nguồn thu phí phương tiện qua lại cửa khẩu.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tong-luong-hang-hoa-xuat-nhap-khau-qua-cua-khau-quoc-te-nam-giang-tang-dot-bien-3146934.html