Mùi sơn vẫn còn thoang thoảng trên những bức tường mới xây của nhà văn hóa thôn Thanh Trước (xã Trà Đông, Bắc Trà My). Để dựng được nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, rộng hơn 500m2 này, “công lớn” người dân trong làng bảo thuộc về vợ chồng Trần Quang Phong – Lê Thị Chinh.
Trước đây chưa có nhà văn hóa, bà con sinh hoạt, họp hành phải di chuyển khó khăn. Đến khi có nguồn vốn đầu tư xây nhà văn hóa thì lại thiếu hụt mặt bằng làm sân thể thao, khu vui chơi cho trẻ em trong làng.
Cùng với ban vận động thôn và chính quyền xã Trà Đông, bà Lê Thị Chinh – Trưởng thôn Thanh Trước kêu gọi người dân hiến đất, góp công xây dựng nhà văn hóa. Thuận vợ thuận chồng, gia đình bà thôn trưởng tiên phong hiến gần 200m2 đất mở rộng công trình. Nhờ vậy mà phía trước nhà văn hóa có không gian để thiết kế sân bóng chuyền, cầu lông, nhảy dân vũ, khu vui chơi rộng rãi.
[VIDEO] – Nhà văn hóa thôn Thanh Trước (xã Trà Đông, Bắc Trà My):
Là đảng viên thì mình phải gương mẫu đi đầu vì cộng đồng. Cống hiến cho xã hội còn là để phước cho con cháu sau này hạnh phúc, ấm no. Thấy bà con vui mừng có địa điểm sinh hoạt, đi lại thuận lợi mình cũng ấm lòng”
Bà Lê Thị Chinh – Trưởng thôn Thanh Trước.
Dựng trên khu đất cao tránh ngập lụt, bên cạnh nơi sinh hoạt chung, nhà văn hóa thôn Thanh Trước còn có phòng bếp, nhà vệ sinh sạch sẽ. Công trình này sẽ đa chức năng vừa là chỗ sinh hoạt, hội họp của thôn vừa là địa điểm trú tránh bão lũ cho người dân địa phương.
Từ ngày nhà văn hóa đưa vào sử dụng, vào buổi chiều người dân trong làng thường đến luyện tập thể thao và vui chơi giải trí. “Tôi năm nay gần 80 tuổi rồi mà giờ mới thấy thôn mình có cái nhà văn hóa rộng, đẹp đến thế” – cụ bà Trần Xuân Cẩm (SN 1945) nói.
[VIDEO] – Ông Trần Quang Phong hiến đất xây nhà văn hóa thôn Thanh Trước chia sẻ:
Trưởng thôn Thanh Trước Lê Thị Chinh chia sẻ: “Là con dân địa phương và cũng đã gần 10 năm làm thôn trưởng, góp phần nhỏ bé xây dựng nhà văn hóa mới là điều hạnh phúc nhất mà tôi làm cho làng quê mình”.
Nhiều năm qua, ông Trần Quang Phong (chồng bà Lê Thị Chinh) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, một cựu chiến binh gương mẫu. Vợ chồng hòa thuận, con cái ăn học đàng hoàng, gia đình này không chỉ có kinh tế ổn định, mà còn thường đi đầu trong công tác xã hội.
Vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo phủ kín cây xanh dọc đường, chúng tôi đến trung tâm hành chính xã Trà Giác (Bắc Trà My). Nơi có sân vận động xã vừa mới hoàn thành, bọn trẻ đang vui đùa với quả bóng tròn.
Trước đây, sân vận động xã Trà Giác với quy mô nhỏ, đá lởm chởm nên người dân không thể tham gia các hoạt động thể thao hay chính quyền địa phương khó có thể tổ chức các chương trình ngoài trời. Nhưng từ khi sân vận động được nâng cấp, san lấp đất ruộng để mở rộng, các hoạt động làng xã được tổ chức ở đây thường xuyên hơn.
Năm 2023 xã Trà Giác quyết liệt vào cuộc hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có thi công sân vận động xã rộng 5.230m2. Ban đầu, công tác dân vận gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Nhưng sau hơn 2 tháng vận động, người dân cũng hiểu dần, đã nhiệt tình phối hợp cùng chính quyền địa phương hiến đất”.
Ông Bùi Văn Sơn – Công chức địa chính xã Trà Giác
Theo ông Bùi Văn Sơn – công chức địa chính xã Trà Giác, trong 4 hộ có diện tích đất thuộc khu vực quy hoạch sân thể thao, ông Hồ Văn Thượng (thôn 2, xã Trà Giác) hưởng ứng tích cực và hiến nhiều nhất với diện tích đất ruộng lên đến 1.400m2. Lúa gần tới độ thu hoạch nhưng ông Thượng không tiếc của riêng, sẵn sàng bỏ ruộng vì mục tiêu chung.
Ông Hồ Văn Thượng cho biết: “Nghe nhà nước bảo hiến đất làm sân thể thao xã, lúc đầu tôi cảm thấy rất hoang mang. Đất nhà tôi là tự khai hoang rồi làm lúa, chứ đâu phải do nhà nước cấp. Nhưng được chính quyền thôn, xã giải thích, tôi cũng hiểu rằng hiến đất để cho con cháu trong làng có sân chơi thể thao, giúp xã nhà ngày càng phát triển nên tôi vui vẻ hiến thôi”.
Chập choạng tối, chị Cao Thị Chiến, dân tộc Ca Dong (tổ Trấn Dương, thị trấn Trà My) bán cá tận chợ xã Trà Lăng mới về nhà. Dáng người nhỏ nhắn, vẻ khắc khổ đã hằn lên từng nếp nhăn trên khuôn mặt của người phụ nữ chưa đến 40 tuổi, nhưng chị vẫn niềm nở khi chào đón khách.
Gia đình nghèo đông con nên từ thời trẻ chị Chiến vất vả mưu sinh. Chị được cả làng yêu quý bởi tính cách hiền lành, chất phát và sống vì lợi ích cộng đồng khi hiến hơn 2.240m2 đất để xây dựng bờ kè Chu Huy Mân.
Chị bảo, đất trên đồi là của ông bà chị phát hoang làm rẫy để lại. Giờ chính quyền địa phương huy động hiến đất làm bờ kè chống sạt lở, chị cũng muốn góp một phần của cải của nhà để bảo vệ an toàn cho bà con làng xóm. “Làm rẫy mãi cũng không giàu lên được, chỉ có cho đi, cống hiến giúp đời mình mới sống hạnh phúc” – chị Chiến trải lòng.
[VIDEO] – Bờ kè Chu Huy Mân trong quá trình thi công:
Nằm bên tuyến đường ĐT616, địa điểm xây dựng bờ kè Chu Huy Mân là nơi có nguy cơ gây sạt lở cao. Đất đá hòa lẫn dễ nguy hiểm cho người dân dựng nhà dưới đồi và khu vực lân cận, nhất là vào mùa mưa lũ.
Công trình bờ kè Chu Huy Mân được hoạch định thi công từ trước năm 2020. Nhưng gặp vướng mắc về đất đai, giải tỏa đền bù, vận động người dân hiến đất nên đến nay mới thực hiện được. Và để thi công xây dựng bờ kè nhiều hộ dân đã sẵn sàng hiến đất, trong đó có đóng góp lớn như trường hợp chị Cao Thị Chiến”
Ông Nguyễn Hữu Sự – Chủ tịch UBND thị trấn Trà My
[VIDEO] – Chị Cao Thị Chiến:
Đối với một huyện miền núi như Bắc Trà My có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% với 27 thành phần dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đến những mô hình hiến đất và một phần tài sản trên đất hiến, kịp thời tuyên dương, khen thưởng để nhân rộng những mô hình này”.
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My
Năm 2023, những tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như ông Trần Quang Phong, Hồ Văn Thượng, chị Cao Thị Chiến… được Huyện ủy Bắc Trà My khen thưởng. Và giữa đại ngàn Bắc Trà My còn rất nhiều “đóa hoa rừng” ngát hương cần được lan tỏa.