Nhận diện “nút thắt”
Đại diện cho chủ đầu tư (Cục Đường bộ Việt Nam) là Ban Quản lý dự án 4 cho biết, đến nay, các huyện có dự án đi qua là Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn đã bàn giao mặt bằng được 62,2/71,38 km (đạt hơn 87%). Tuy nhiên, nhiều đoạn bàn giao không liên tục, gây khó khăn khi triển khai thi công.
Nhìn từ Phước Sơn, huyện đã bàn giao 22/23,78km chiều dài mặt bằng, song có 16 đoạn với tổng chiều dài 1,35km không thể thi công. Chính quyền huyện Phước Sơn cho hay, chiều dài còn lại 1,78km chưa bàn giao vì chưa hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường. Huyện đã chỉ đạo các xã Phước Hòa, Phước Hiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Vậy nhưng, việc xây dựng phương án bồi thường vẫn khó tiến hành do chưa có quy định của UBND tỉnh về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai năm 2024.
Hiệp Đức có chiều dài cần GPMB nhiều nhất trong 3 huyện với 30,2km. Sau thời gian nỗ lực tăng tốc, huyện đã bàn giao 26,6km cho chủ đầu tư. Gần như Phước Sơn, mặt bằng qua Hiệp Đức có 5 đoạn với tổng cộng 1,85km tuy đã bàn giao nhưng không thể thi công do vướng hạ tầng kỹ thuật và không có đường tiếp cận. Ách tắc mặt bằng còn lại nằm trên địa bàn xã Bình Lâm liên quan đến 14 hộ, trong đó có 6 hộ dân thuộc diện tái định cư chưa được di dời. Xã Quế Thọ còn 27 trường hợp chưa được bồi thường do nhiều nguyên nhân; 4 hộ đã nhận tiền lại không cho thi công. Thị trấn Tân Bình vướng 113 hộ chưa được phê duyệt phương án bồi thường.
“Nút thắt” lớn nhất, kéo dài nhất về GPMB qua Thăng Bình chính là vị trí thi công cầu vượt đường sắt thuộc địa phận xã Bình Quý, có 59 hộ dân bị ảnh hưởng (63 thửa). Đoạn này chiếm chiều dài 399,12m, trong tổng số 17,4km mặt bằng thuộc phạm vi thi công của dự án. Theo chủ đầu tư, Thăng Bình bàn giao 13,6km chiều dài mặt bằng, song có 121 đoạn với tổng chiều dài 8,713km chỉ thi công được rãnh dọc, cạp mở rộng nền. Đáng chú ý, có 110 hộ đã phê duyệt xong phương án bồi thường nhưng chưa chịu nhận tiền.
Tìm hướng tháo gỡ
Chủ đầu tư cho biết, thời gian để hoàn thành dự án không còn nhiều (trong năm 2025), do đó kiến nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị điện lực, viễn thông khẩn trương phối hợp để di dời ra khỏi phạm vi thi công của dự án. Ngay sau khi điện lực di dời, đơn vị viễn thông tháo dỡ di dời ngay để có mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đối với Thăng Bình, chủ đầu tư kiến nghị huyện ưu tiên GPMB phạm vi cầu vượt đường sắt; sớm gỡ ách tắc mặt bằng nhằm nối các đoạn nhỏ lẻ để nhà thầu hoàn thiện móng, mặt đường.
Gỡ vướng mặt bằng tại Hiệp Đức, chủ đầu tư kiến nghị huyện ưu tiên GPMB 3 hộ nằm trên địa bàn xã Bình Lâm, như thế nhà thầu mới có đường tiếp cận 1,1km mặt bằng đã bàn giao đoạn tuyến tránh Việt An. Khẩn trương khai thông mặt bằng của 39 hộ tại xã Quế Thọ để thi công hoàn thiện móng, mặt đường. Sớm xác định đủ điều kiện hay không đủ điều kiện bồi thường đối với 29 trường hợp đất nằm ở thị trấn Tân Bình.
Làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 4 và các ngành, địa phương liên quan mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn và cả hệ thống chính trị của huyện phải vào cuộc quyết liệt, tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, tháo gỡ từng vướng mắc của từng trường hợp cụ thể. Những phương án bồi thường nào đã phê duyệt, địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, tổ chức đối thoại lần cuối cùng; đồng thời xây dựng phương án bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định để bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/10/2024.
Đối với khu vực chưa phê duyệt phương án bồi thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu tập trung thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan, hoàn chỉnh phương án, chuẩn bị đủ quỹ đất bố trí tái định cư (nếu có) để phê duyệt ngay sau khi UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Kiên quyết áp dụng mọi biện pháp để bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2024.
Trong quá trình hoàn chỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ, bàn giao trước mặt bằng một số vị trí cần thiết để thi công liên tục, thuận lợi lắp đặt rãnh dọc thoát nước và thảm bê tông nhựa mặt đường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Nam tập trung phối hợp để giao nhận mặt bằng, kịp thời chỉ đạo đơn vị thi công hoàn thành di dời công trình hạ tầng điện còn lại. Viễn thông Quảng Nam, Viettel Quảng Nam khẩn trương tháo dỡ, di dời hệ thống cáp viễn thông còn lại; Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam tích cực phối hợp với huyện Thăng Bình, Ban Quản lý dự án 4 di dời hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo đồng bộ, kịp thời với việc thi công dự án.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mat-bang-thi-cong-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-14e-tim-huong-go-nut-that-cuoi-cung-3142393.html