Tên gọi thành Hoàng Đế bắt đầu từ thời Tây Sơn, khi ấy anh em Nguyễn Văn Nhạc đã chiếm cứ và tu bổ thành cũ để đóng đô, xưng là thành Hoàng Đế. Tên gọi thành cũ viết bằng chữ Hán là 闍槃, được dịch ra chữ quốc ngữ là Đồ Bàn hoặc Chà Bàn.
Đồ Bàn được biết qua các bài thơ trong tập Điêu Tàn (1937) của Chế Lan Viên: Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe (Đợi người Chiêm nữ) cũng như qua các tác phẩm văn học nghệ thuật sau này.
Tuy vậy, theo Hoàng Xuân Hãn thì Đồ Bàn là chép nhầm của Chà Bàn. “Thành Phật Thệ, kinh đô Chiêm Thành thời bấy giờ, ở vào địa phận tỉnh Bình Định ngày nay. Tên Chàm là Vijaya; sau có tên Chà Bàn, ta thường chép nhầm ra Đồ Bàn”.
Kiểm tra ở các bản chữ Hán sách Đại Việt sử ký toàn thư, Phủ biên tạp lục, Đồng Khánh địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí đều thấy viết tên thành này giống nhau, cùng một tự dạng Hán 闍槃. Đến khi dịch ra chữ quốc ngữ mới có sự khác biệt Chà Bàn và Đồ Bàn.
Nguyên do có hai cách phát âm chữ 闍. Tự điển tiếng Hán hiện đại ghi âm đọc là /dū/ hoặc là /shé/. Trong cách đọc Hán Việt, chữ 闍 đọc là /đồ/ với ý nghĩa là cái đài trên cổng thành, và đọc là /xà/ hoặc /chà/ khi dùng để phiên âm tiếng Phạn, như phiên âm tiếng Phạn ācārya ra chữ Hán là 阿闍梨,đọc là a-xà-lê (người thầy dạy Phật pháp).
Nhận định của Hoàng Xuân Hãn cũng phù hợp với cách viết của các học giả người Pháp đầu thế kỷ 20. Trong bài nghiên cứu của Louis Finot (1904), khi nói đến các “tỉnh lớn” của Champa, tác giả chú thích về Vijaya như sau “Vijaya correspond probablement à la province de Binh-dịnh, et la ville de ce nom était sans doute Cha-ban” (Vijaya có lẽ tương ứng với tỉnh Bình Định, và thành phố mang tên này chắc chắn là Cha-ban).
Các học giả người Pháp hẳn có đọc các sử liệu chữ Hán có chữ 闍槃,nhưng khi ghi bằng chữ La tinh thì ghi “Cha-ban” chứ không phải “Đồ bàn” như các dịch giả Việt Nam.
Có thể vào thời điểm đầu thế kỷ 20, trong tiếng nói của người địa phương vẫn còn nghe phát âm danh xưng “Chà bàn”, một dạng rút gọn của danh xưng Vijaya (xuất hiện trên văn khắc Champa trước thế kỷ 15, chỉ một vùng đất của Champa, tương ứng với Bình Định ngày nay). “Vijaya” nói gọn thành “Jaya”, phát âm /chà-ya/ và chuyển dần thành “chà bàn” trong tiếng Việt thế kỷ 20.
Hiện nay, ngành khảo cổ đã phát hiện ở Bình Định có ít nhất hai vị trí có dấu tích thành cổ thời Champa, đều thuộc địa bàn thị xã An Nhơn ngày nay. Ngoài di tích hiện nay gọi là thành Hoàng Đế, thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu (phía bắc sông Côn) còn có một di tích gọi là thành Cha, thuộc xã Nhơn Lộc (phía nam sông Côn).
Chúng tôi nghĩ rằng hai thành này đã được xây dựng và sử dụng vào các giai đoạn khác nhau trong lịch sử Champa. Việc xác định thời gian sử dụng cụ thể của mỗi vị trí thành cần thêm nhiều cứ liệu; nhưng các thành ấy đều đã được hiểu là “thành Chà Bàn” với ý nghĩa là thành của vùng Chà Bàn (Vijaya) nói chung.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tim-hieu-danh-xung-do-ban-cha-ban-3143357.html