Chương trình thuộc dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững” được triển khai thí điểm tại TP.Tam Kỳ và Hội An, sau đó sẽ phát triển ra toàn tỉnh và các tỉnh thành khác.
Cần những nền tảng cốt lõi
Chị Võ Thị Thảo Trang – thành viên Nhóm điều phối không gian học tập cộng đồng Quế Sơn cho biết, năm 2022, nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về môi trường và chất lượng học tập của học sinh vùng nông thôn với thành thị, một nhóm thanh niên ở thị trấn Quế Sơn đã thành lập dự án học tập cộng đồng.
Dự án được sự đồng hành của Huyện đoàn Quế Sơn và UBND thị trấn Đông Phú hỗ trợ không gian sinh hoạt, lưu giữ các dụng cụ học tập và hơn 6.000 đầu sách đa dạng cho các học sinh tiếp cận những kiến thức mới.
Đây là dự án giáo dục cộng đồng, không thu phí người tham gia. Học sinh sẽ được trải nghiệm chương trình học tập giống như các trung tâm ở thành phố, thông qua các hoạt động trải nghiệm giống như workshop – chia sẻ, thảo luận về một chủ đề nhất định, đi du lịch, tham quan những địa điểm thực tế hay tham gia những khóa học nhỏ cải thiện kỹ năng mềm, nâng cao năng lực bên trong mỗi cá nhân.
Thời gian qua, dự án nhận được những phản hồi tích cực của nhiều học sinh và phụ huynh bởi các hoạt động đa dạng, thú vị và vô cùng mới mẻ với môi trường giáo dục nông thôn.
“Tuy nhiên, vì là dự án phi lợi nhuận nên kinh phí duy trì hoạt động là một khó khăn vô cùng lớn. Dù được sự tài trợ của nhiều tổ chức, đơn vị nhưng vấn đề tài chính không mang tính ổn định. Ngoài ra, dự án chưa có tính pháp nhân, các thành viên sáng lập ban đầu khó tìm được lứa kế cận để tiếp tục duy trì và phát triển dự án” – chị Trang nói.
Đồng quan điểm với chị Trang, anh Nguyễn Duy Hòa (nhà sáng lập dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trong việc trồng atiso đỏ ở huyện Bắc Trà My) cho biết, dự án của anh mang tính mới, rủi ro cao nhưng khi thành công cũng khó nhân rộng và phát triển vì thiếu những nền tảng cốt lõi.
Cụ thể, để một dự án đổi mới sáng tạo có thể phát triển, anh Hòa cho rằng cần nhiều nguồn lực về không gian hoạt động, tài chính và nhân sự vận hành.
Như dự án atiso đỏ của anh, đang cần đất để tổ chức sản xuất trên diện rộng nhằm cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu. Bản thân anh là một người làm nông nghiệp nên những chuyên môn khác như việc phát triển thị trường sẽ gặp khó khăn, nhưng ở vùng núi như Bắc Trà My thì khó tìm nhân sự cho lĩnh vực này.
Tạo lập bản đồ đổi mới sáng tạo
Không chỉ riêng 2 dự án kể trên gặp phải một số vấn đề liên quan đến tài chính, nhân lực, không gian sản xuất mà hầu hết các dự án đổi mới sáng tạo tham gia buổi workshop cũng đều như vậy.
Có những dự án còn nằm trên ý tưởng như chị Alăng Thị Công (huyện Đông Giang) với mong muốn tạo lập dự án phát triển sinh kế bền vững từ rừng để gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên hay dự án sản xuất túi lưới tái chế từ lưới đánh cá của người dân của Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech… và còn rất nhiều dự án hay, hướng đến cộng đồng được các khách mời buổi workshop giới thiệu.
Anh Võ Nguyễn Anh Duy – thành viên Nhóm chuyên gia nghiên cứu về đổi mới sáng tạo thuộc UN-Habitat Việt Nam cho biết, buổi workshop với chủ đề “Tăng tốc đổi mới sáng tạo: Khám phá nhu cầu và cơ hội tại Quảng Nam” nhằm hỗ trợ các giải pháp đổi mới sản tạo cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đã ghi nhận đầy đủ về mặt ý tưởng, quá trình triển khai hoạt động, thế mạnh cạnh tranh, khó khăn thử thách và nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của các dự án đổi mới sáng tạo.
Với những thông tin này, nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp và tạo lập một bản đồ đổi mới sáng tạo của riêng Quảng Nam, các dự án sẽ nắm bắt được vấn đề của nhau để trước mắt, hỗ trợ nhau khắc phục các khó khăn, thử thách. Ngoài ra, có thể kết nối với các mối quan hệ sẵn có để tìm kiếm nhà đầu tư hoặc tiêu thụ sản phẩm chéo cho nhau.
“Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin của các dự án đổi mới sáng tạo của chúng tôi là một trong những bước đầu tiên để đánh giá được nhu cầu thực sự của các dự án đổi mới sáng tạo, để từ đó có những giải pháp, những kiến nghị, tạo lập đề dẫn cho các hội thảo liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo với UBND tỉnh Quảng Nam trong thời gian sắp tới.
Xa hơn nữa, có thể xây dựng không gian đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, thí điểm một số dự án giúp hạn chế những khó khăn, thách thức mà các dự án đang gặp phải, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.Tam Kỳ và TP.Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung” – anh Duy nói.
Tại buổi workshop, nhóm nghiên cứu của Tổ chức UN-Habitat Việt Nam cũng cho các dự án đổi mới sáng tạo thực hiện một phiếu khảo sát với quy mô nghiên cứu khoa học, nhằm đánh giá những nhận thức của các chủ dự án về đổi mới sáng tạo và quá trình triển khai thực hiện dự án.
Được biết, tại TP.Hội An, tổ chức UN-Habitat Việt Nam cũng tổ chức một buổi workshop tương tự. Tất cả những thông tin, đề xuất kiến nghị sẽ được tổng hợp làm tài liệu thực tế phục vụ cho hội thảo về thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo cùng với UBND tỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 24/8 tới đây.
Một doanh nhân huyện Thăng Bình được trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2024
Đó là anh Phan Hoàng Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thịnh Phan.
Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa tổ chức lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2024 cho 86 doanh nhân trên toàn quốc. Anh Phan Hoàng Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thịnh Phan là đại diện duy nhất của Quảng Nam được trao danh hiệu này.
Công ty TNHH Hoàng Thịnh Phan có trụ sở tại tổ 7, thị trấn Hà Lam và xưởng sản xuất tại lô 59 khu dân cư Thăng Hoa (xã Bình Nguyên, Thăng Bình). Công ty chuyên dịch vụ bảo trì bảo dưỡng động cơ điện, thương mại, sản xuất động cơ điện – bơm nước, xây dựng công trình…
Chương trình bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc được tổ chức từ năm 2015. Qua 8 lần triển khai, chương trình đã trao danh hiệu cho 643 doanh nhân trẻ tiêu biểu, tuổi không quá 35. Nhiều năm qua, Quảng Nam luôn có đại diện được trao danh hiệu này.(TÂM ĐAN)
Huyện Quế Sơn tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo năm 2024
UBND huyện Quế Sơn vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, kết nối việc làm và quảng bá sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Quế Sơn năm 2024.
Theo đó, sự kiện dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9-11/9/2024 tại các địa điểm như Quảng trường 26/3 huyện Quế Sơn, Trung tâm VH-TT&TT-TH và Hội trường Huyện ủy. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày sản phẩm; tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số; tổ chức tọa đàm theo các chuyên đề nhằm phát triển gắn với xúc tiến các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tư vấn của các đơn vị về vay vốn và ưu đãi vay vốn…
Một số hoạt động đáng chú ý khác như hội thảo xúc tiến, kết nối công tác giải quyết việc làm; hội thi tuyên truyền viên giỏi huyện Quế Sơn; đêm ca nhạc liên hoan các câu lạc bộ. UBND huyện Quế Sơn cho biết, việc tổ chức ngày hội nhằm tạo nhận thức, khơi dậy phong trào, kết nối, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp, kết nối việc làm, góp phần lan tỏa hình ảnh địa phương…(ĐÔNG ANH)
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tim-giai-phap-thuc-day-du-an-doi-moi-sang-tao-tai-quang-nam-3139428.html