Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung, đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung và đại diện các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PT-NT cho biết, trong tổng số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản… Còn lại 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn.
Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó nhu cầu của người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển sang dùng những sản phẩm tiện lợi hơn. Do vậy, sản phẩm làng nghề làm ra tiêu thụ chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…
[VIDEO] – Ông Lê Đức Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam chia sẻ về giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề trong thời kỳ hội nhập:
Toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
Tại Quảng Nam có 7 địa phương chưa có làng nghề được công nhận gồm: Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức.
Dịp này, các đại biểu tham dự tọa đàm đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến bảo tồn, phát huy nghề truyền thống ở Quảng Nam như: Vai trò của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Nam, đề xuất những giải pháp cho thời gian đến; bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển bền vững du lịch xanh tại TP.Hội An; vai trò của ngành nghề nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Nam, những giải pháp bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến…
Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động, trong công tác quản lý nhà nước; đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành nghề thời gian đến. Qua đó làm cơ sở, giúp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, các địa phương kịp thời nắm được tình hình, để có giải pháp chỉ đạo kịp thời công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tim-giai-phap-bao-ton-phat-trien-nghe-truyen-thong-quang-nam-3140262.html