Một đại diện tộc Phạm (chi phái 3) ở Đại Lộc chia sẻ, gần hai năm qua, dòng tộc này đã mấy lần tổ chức “đi thực địa” về nguyên quán để hoàn thành cuốn gia phả chung.
Tộc họ này xác định tổ tiên theo vua Lê chúa Nguyễn chinh nam, từ Thanh Hóa dời vào Quảng Nam lập làng dựng ấp, nên việc tìm rõ cội nguồn mấy trăm năm rất quan trọng. Đại diện tộc đã cử người ra gốc tích Thanh Hóa để tra cứu các gia phả, văn bia còn lại, đối chiếu các văn bản thư tịch có được, mới khớp nối chính xác “hành trình lập họ”.
“Có kiểm tra lại mới biết, quá trình lưu lạc của cha ông tổ tiên, theo những biến cố lịch sử rất phức tạp. Có những thế hệ trong chiến tranh, tản mát chạy trốn, người đổi họ, người thay tên.
Rồi các văn bản ghi chép sai lệch địa danh, tên làng xã, chưa kể việc tra cứu chữ Nôm với chữ quốc ngữ hiện nay không đơn giản. Do đó, vấn đề lần tìm lại cội nguồn quê quán cho cả một dòng tộc họ hàng, cần mất nhiều thời gian” – đại diện tộc họ này chia sẻ.
Ông Phan Văn Phúc, đại diện tộc Phan ở Đà Nẵng, có nguồn gốc từ Quảng Trị nhìn nhận, câu chuyện của tộc Phạm ở Đại Lộc, cũng là vấn đề “đau đầu” với dòng họ ông.
Mặc dù tộc họ này đã dựng được “cây phả hệ 14 đời” trong gia phả chung, nhưng để hoàn thiện cuốn gia phả vẫn vướng mắc. Đặc biệt khi đối chiếu tên tuổi các thế hệ trước, người chữ Nôm, người chữ Hán, cần phải tra cứu mới dám quả quyết. Cho nên, đã gần 3 năm làm lại gia phả, tộc họ của ông vẫn đang tiếp tục sưu tra, đối chiếu…
Ông Phan Văn Phúc cho biết, ông đã tiếp xúc một số nhà nghiên cứu về thông tin các tộc họ để tìm hiểu việc xây dựng, cập nhật lại các gia phả. Tuy nhiên, có những vấn đề nảy sinh với quá trình này.
Trải qua nhiều cuộc chiến, tại các vùng miền có những biến động lịch sử nhất định, kể cả do thiên tai, nên các tộc họ đều có những xáo trộn khách quan. Ngay giai đoạn triều Nguyễn ổn định đất nước, thì việc các triều vua đặt lại tên làng xã, cũng đã ảnh hưởng đến sự xác minh cội nguồn dòng họ ở các vùng đất.
Thứ hai, trong mỗi tộc họ, ở những thời điểm khác nhau, cũng có những đổi khác, sai lệch về thông tin. Nhất là những tên tuổi các thế hệ trước, qua văn bia giấy mực rất dễ có nhầm lẫn. Để tra cứu cội nguồn, tránh bị gãy khúc thông tin, sai sót, các tộc họ phải dành nhiều thời gian và công sức tìm kiếm, mới có thể đảm bảo độ chính xác mong muốn.
Những năm qua, nhiều gia đình và dòng tộc từ Quảng Trị vào đến Bình Định, đã quan tâm đầu tư vào hoạt động dòng tộc, từ xây dựng lại từ đường, miếu mạo, nhà thờ tộc, cho đến chỉnh lý, xác tín gia phả, phân chia rõ những phả hệ hiện tại…
Dòng tộc nào có lịch sử gắn liền quá trình khai hoang vỡ đất, sẽ càng có nhu cầu xác minh làm rõ gia tộc thế nào, nguồn cội từ đâu, để mong tôn vinh xứng đáng gia thế của mình.
Điều khiến các gia tộc băn khoăn, là những nhà nghiên cứu, người có trình độ, hiểu biết về văn hóa lịch sử vùng miền, ngôn ngữ giao tiếp các thế hệ… đang ngày một ít.
Đại diện họ Phạm – Đại Lộc tâm tư, may mắn tộc họ ông còn có một số người biết chữ Hán, nên tra cứu được các văn bia, thư tịch. “Bởi thế, nên chăng các tổ chức văn hóa, cơ quan quản lý cần quan tâm vấn đề này, làm sao đáp ứng tốt nhu cầu tra cứu lại thông tin từ chính các tộc họ?”, người này nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tim-coi-nguon-tu-trang-gia-pha-3147170.html