Theo UBND huyện Nam Giang, từ khi Luật Khoáng sản ra đời năm 2010 có hiệu lực thi hành, các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, cấp phép, khai thác, chế biến, đấu giá, quản lý khoáng sản đã tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn Nam Giang. Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã tạo điều kiện cho địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét, xử lý, xóa bỏ hoàn toàn các tụ điểm khai thác vàng trái phép. Không để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại địa phương.
Chính quyền địa phương đã tạo được sự thống nhất cao, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cơ bản đã giải quyết kịp thời các thủ tục hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Các doanh nghiệp luôn chấp hành đúng các quy định về quản lý, sử dụng đất phục vụ cho việc khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường GPBM, đảm bảo kịp thời cho việc triển khai thực hiện dự án, được người dân đồng tình ủng hộ, không có trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến các dự án khai thác khoáng sản. Việc ký quỹ phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đều thực hiện đúng quy định. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đã đầu tư các trang thiết bị phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người lao động và nhân dân xung quanh khu vực mỏ. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, che chắn, giảm thiểu bụi, tiếng ồn gây ra.
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, bất cập trong việc lập thủ tục khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án. Một số dự án không thực hiện được việc khai thác khoáng sản. Việc lập hồ sơ quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, cấp phép khai thác các điểm khoáng sản nhỏ lẻ, liên quan đến nhiều ngành, thời gian kéo dài, nên ít có doanh nghiệp tham gia lập các thủ tục khai thác, chưa tận dụng được nguồn khoáng sản này phục vụ cho việc xây dựng tại địa phương.
Việc đấu nối tuyến đường giao thông từ khu vực mỏ vào các tuyến quốc lộ gặp rất nhiều khó khăn, nên có một số mỏ được cấp phép nhưng không thể hoạt động được. Địa bàn của huyện rộng, giao thông đi lại khó khăn, đội ngũ cán bộ ít nên việc theo dõi, kiểm tra xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép gặp rất nhiều khó khăn.
UBND huyện Nam Giang kiến nghị Quốc hội sớm thông qua và ban hành Luật Địa chất và khoáng sản để tạo hành lang pháp lý cao nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần có sự thống nhất trong công tác quản lý khoáng sản. Đối với các điểm mỏ đã được cấp phép khai thác, cần tạo điều kiện để đơn vị được cấp phép khai thác được đấu nối tuyến đường giao thông từ khu vực mỏ vào các tuyến quốc lộ để thực hiện việc khai thác khoáng sản. Tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình và tận thu khoáng sản để đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ, đồng thời vừa khai thác được nguồn tài nguyên khoáng sản, không làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Hỗ trợ các địa phương thực hiện điều tra đánh giá trữ lượng các loại khoáng sản để đưa vào quy hoạch, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
Ngoài ra, UBND huyện Nam Giang cũng đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức liên quan xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép UBND cấp huyện được cấp phép hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện cấp phép các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi, đá) với quy mô nhỏ từ 2.000m3– 4.000m3, nhằm giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng tại địa phương. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép việc đấu nối tuyến đường giao thông từ các mỏ khoáng sản đã được cấp phép vào các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện để các dự án khai thác khoáng sản được triển khai thực hiện đúng theo tiến độ. Hỗ trợ huyện thực hiện điều tra, bổ sung quy hoạch các loại khoáng sản hiện có trên địa bàn, để đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm mỏ khoáng sản theo đề xuất của UBND huyện. Tiếp tục hỗ trợ huyện thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ cho công tác quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Dương Văn Phước đánh giá cao nỗ lực chỉ đạo, điều hành quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Nhiều đề xuất, kiến nghị xác đáng của địa phương sẽ được đoàn giám sát nghiên cứu, cập nhật vào báo cáo giám sát của đoàn giám sát.
Ông Phước đề nghị địa phương tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản chấp hành đúng pháp luật. Gia tăng phối hợp các sở chuyên môn quản lý khoáng sản trên địa bàn, kiểm tra xử lý vi phạm, phối hợp giải quyết thủ tục liên quan tới những vướng mắc còn tồn tại nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật. Đoàn giám sát sẽ cập nhật tất cả những kiến nghị của địa phương tại các cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan để có thể kiến nghị bổ sung, hoàn chỉnh vào dự thảo Luật Địa chất khoáng sản trong thời gian đến.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tiep-thu-y-kien-kien-nghi-cua-dia-phuong-de-bo-sung-hoan-chinh-vao-du-thao-luat-dia-chat-khoang-san-3140690.html