Nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương thuận lợi cho phát triển cây tiêu, ông Nguyễn Bá Năng (thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, Thăng Bình) đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình trồng 350 choái tiêu trên diện tích 2.000m2.
Cây tiêu sinh trưởng nhanh, sai trái giúp ông Năng có nguồn thu nhập 100 triệu đồng/năm từ bán hạt tiêu. Ông cho biết, tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông đầu tư cho sản xuất để có nguồn thu nhập ổn định và vượt lên thoát nghèo.
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình cho biết, tổng nguồn vốn và tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đến ngày 31/12/2024 là hơn 949 tỷ đồng.
Trong năm 2024, tổng doanh số cho vay ưu đãi ở huyện Thăng Bình đạt hơn 293 tỷ đồng, thu nợ 179 tỷ đồng; dư nợ tăng so với đầu năm là 114,6 tỷ đồng.
Năm 2024, dư nợ tín dụng chính sách huyện Thăng Bình tăng trưởng 13,7%, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh là 9% và chiếm tỷ trọng gần 12% dư nợ toàn tỉnh.
“Trong năm 2024, chúng tôi khẩn trương triển khai hồ sơ để nhanh chóng giải ngân nguồn vốn kịp thời đến nhân dân. Thu lãi hằng tháng đạt 100% số lãi phải thu. Huy động tiết kiệm qua tổ và qua cá nhân, tổ đạt hơn 100% kế hoạch. Chất lượng tín dụng ổn định, nợ quá hạn giảm 247 triệu đồng so với năm 2023” – ông Tuấn cho biết.
Đến nay, có 16 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thăng Bình gồm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội, xuất khẩu lao động, cho vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay người chấp hành xong án phạt tù…
Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện cho biết, trong năm 2024, hệ thống tín dụng chính sách trên địa bàn đã tập trung điều hành, kiểm tra, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao hoạt động tín dụng chính sách với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
“Chúng tôi chú trọng triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; thực hiện tín dụng chính sách gắn liền với giảm nghèo bền vững; cân đối, rà soát và trích bổ sung ngân sách huyện để cho vay ưu đãi trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Năm 2025, huyện Thăng Bình phấn đấu đạt dư nợ hơn 1 nghìn tỷ đồng” – ông Húy nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tiep-suc-ho-ngheo-thang-binh-vuon-len-bang-von-vay-uu-dai-3147870.html