Không riêng dịp Tết Đoan ngọ, nước lá lao hay còn gọi lá mùng năm được nhiều người chọn uống quanh năm để giải nhiệt, thanh mát…
Người dân xứ đảo bán lá thuốc cho du khách.
Không khí oi bức đầu tháng Năm âm lịch khiến người ta chợt thấy thèm những món ăn, nước uống mát mẻ, nhẹ nhàng của ngày Tết Đoan ngọ. Trong số ấy không thể không nhắc đến nước lá Cù Lao Chàm (còn gọi là nước lá lao). Những cánh rừng trên đảo Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) có nhiều loại lá thuốc bốn mùa xanh tươi.
Với kinh nghiệm dân gian truyền lại, các loại lá thuốc ấy được hái về sơ chế, “phối” theo tỷ lệ nhất định (tăng hoặc gia giảm một số loại) thì sẽ có một hỗn hợp lá đem nấu nước uống thơm ngon, giải nhiệt rất tốt.
Tiếng lành đồn xa, nước lá lao đã trở thành thương hiệu hấp dẫn không ít du khách khi đến tham quan xã đảo Tân Hiệp. Đặc biệt trong dịp Tết Đoan ngọ, lá rừng Cù Lao Chàm càng thêm đắt khách hỏi mua.
Sáng sớm, những người chuyên hái lá nấu nước tại Cù Lao Chàm đã chia nhau lên rừng tìm một số loại lá hái đem về. Lá nấu nước uống gồm nhiều loại như: dẻ, gối, sâm, chọng bọng, dứa rừng, bầu đường, sả, từ bi, bồ đề núi, é, sanh núi, ngũ gia bì, vối, gừng, dây mơ, nhàu, hà thủ ô, thụt dọt, ổi tàu, da lông, nhãn núi cùng một số loại cây lá khác.
Tầm trưa thì trải bạt dưới bóng râm sân nhà để chặt nhỏ, đem phơi khoảng vài nắng là vừa. Lá phơi và trộn xong thì cho vào bao để bán giá từ 10 – 50 nghìn đồng/bao tùy loại. Đối với những người không quen, nước lá lao có vị chát; vừa có mùi của thuốc Bắc, thuốc Nam, vừa có mùi ngai ngái của một số lá cây rừng.
Nước lá lao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, chắc bụng, vì vậy các sản phụ sau khi sinh, gia đình thường chuẩn bị một bao lớn lá lao để dùng.
Người địa phương ở Hội An thường dùng nước lá lao nấu uống hằng ngày, đặc biệt khi bụng đói uống nước lá lao vẫn không bị cào bụng như những loại nước chè, nước trà… Mỗi khi có khách tham quan mua lá ở xứ đảo, bà con tỉ mỉ dặn dò cách nấu nước.
Thường đun nước lá trong những chiếc ấm nhôm nhưng tốt nhất vẫn là ấm đất. Trước khi nấu, lá được rửa sạch, không nên vò nát. Cho nước lọc vào ấm, đun sôi mới thả lá vào, chần cho ngập với mặt nước. Củi nấu nước tốt nhất là thứ củi nấu không làm phai mất vị lá như: củi bạch đàn, củi tre… lửa nấu phải đỏ đều, mươi phút sau đã có được ấm nước thơm nhẹ nhàng.
Ngày nay, mỗi khi nhắc đến Cù Lao Chàm, bên cạnh các loại cá khô, mực một nắng, bánh ít lá gai… người ta không thể không kể đến nước lá lao. Chỉ cần lang thang khu chợ trên đảo, du khách dễ dàng tìm thấy nơi bày bán từng gói lá để mua.
Mỗi ngày, từng gói lá được bọc cẩn thận theo tay du khách chuyển đi khắp mọi miền. Không biết từ bao giờ, những chiếc lá thuốc nhỏ nhắn, bình dị nơi đảo nhỏ TP.Hội An lại trở thành hương vị khó quên đối với nhiều du khách khi ghé thăm mảnh đất này.