Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hôm nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về 4 nội dung: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. (2) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (3) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (4) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Vương Quốc Thắng – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam cho biết, trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước”…
Đại biểu cho biết, thực tế cho thấy tự chủ đại học là điểm đột phá, là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, đào tạo sau đại học cho khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nền tảng của công nghiệp tự cường, kết hợp với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của hệ thống giáo dục đại học cần phải tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt.
Đại biểu Vương Quốc Thắng dẫn chứng số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy, nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học năm học 2023 – 2024 của cả nước chỉ đạt 47,16% và xấp xỉ 57% so với chỉ tiêu được duyệt. Theo đại biểu, số liệu này cho thấy sự kém hấp dẫn của đào tạo sau đại học.
Bên cạnh đó, đến tháng 7/2024, chỉ với 67 cơ sở giáo dục đại học, nhưng đã chiếm xấp xỉ tới 84,5% tổng số bài báo của cả nước. Khối giáo dục đại học chiếm khoảng 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, với 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, nhưng kinh phí nghiên cứu phát triển chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí nghiên cứu phát triển quốc gia. Đại biểu nêu rõ, số liệu này cho thấy ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối đại học là chưa tương xứng với quy mô, năng lực và tiềm năng của đội ngũ này.
Đại biểu nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Trong thời gian tới, theo đại biểu, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước cần ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, nơi sản sinh ra đội ngũ trí thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước. Nghiên cứu sinh tiến sĩ phải được coi là nguồn lực của sáng tạo, cần được phân luồng từ đào tạo bậc đại học và có cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thuc-day-moi-nguon-luc-de-dai-hoc-tro-thanh-tru-cot-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc-3143724.html