Chuyển động của Hội An
Với hơn 1.400 di tích cùng khoảng 50 ngành, nghề thủ công và hơn 650 doanh nghiệp nhỏ, khoảng 1.700 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An sở hữu tiềm năng rất lớn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Thống kê sơ bộ từ chính quyền địa phương, ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật, vui chơi, giải trí) của TP.Hội An hiện đóng góp hơn 6% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ này dự báo sẽ tiếp tục nâng lên trong những năm tới khi Hội An đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Từ khá sớm, Hội An đã phần nào tiếp cận và khá thành công với chiến lược phát triển kinh tế từ văn hóa. Một số dấu ấn lớn định vị được thương hiệu của địa phương trong công nghiệp văn hóa như chuỗi bảo tàng chuyên đề, không gian nghệ thuật bài chòi, show diễn “Ký ức Hội An”, Trung tâm biểu diễn Lune (nhà hát bằng tre)…
Theo PGS-TS.Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Hội An còn nhiều dư địa cho phát triển công nghiệp văn hóa nhằm biến di sản thành tài sản, biến tài sản thành loại hàng hóa đặc thù – sản phẩm du lịch đặc sắc có chất lượng trí tuệ cao và giá trị kinh tế lớn, mang lại lợi ích, sinh kế cho người địa phương và tăng sự hài lòng cho du khách.
PGS-TS.Đặng Văn Bài nhận định, vốn văn hóa của Hội An bao gồm các hợp phần quan trọng: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; con người bản địa; ý chí và khả năng đổi mới sáng tạo của cơ quan quản lý; đội ngũ doanh nghiệp tiềm năng sẵn sàng khởi nghiệp để khai phá thành tựu mới trong công nghiệp văn hóa.
Do đó, cần tạo cơ chế thích hợp để phát huy thế mạnh, năng lực sáng tạo của 4 thành tố cấu trúc vốn văn hóa Hội An phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với bản chất của kinh tế học di sản.
Còn theo PGS-TS.Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Hội An cần phát triển thủ công truyền thống thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn định vị bản sắc Hội An trong mối liên kết với các lĩnh vực như ẩm thực, thiết kế, nghệ thuật truyền thống.
Cần tạo sự dịch chuyển, kết nối linh hoạt giữa các không gian phố cổ và làng nghề qua gắn kết thủ công và nghệ thuật dân gian, các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là ẩm thực, nghệ thuật truyền thống theo hướng bền vững từ sự chuyển hóa năng động các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của nhóm ngành công nghiệp văn hóa.
Dư địa lớn
Theo báo cáo của TMG Group, hơn 60% khách quốc tế đến Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử. Trong khi đó, Quảng Nam là một trong những địa chỉ yêu thích nhất của khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Bà Thân Thị Thu Huyền – Giám đốc điều hành “Đảo Ký ức Hội An” cho rằng, Quảng Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh du lịch văn hóa đặc thù và xa hơn là công nghiệp văn hóa. Du lịch văn hóa cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch xanh mà Quảng Nam đang hướng đến.
“Quảng Nam nên sớm xúc tiến việc kết nối các vùng văn hóa và các sản phẩm với nhau. Chuỗi di sản của Quảng Nam từ Hội An, Mỹ Sơn lên vùng núi cao quá đặc sắc và từng khu vực sở hữu các nét văn hóa đặc trưng rất hấp dẫn. Điều cần làm là kết nối các miền văn hóa, tạo nên chuỗi trải nghiệm văn hóa toàn diện” – bà Huyền chia sẻ.
Thực tế từ vài năm trước, Quảng Nam cũng đã tham khảo một số mô hình quốc tế tương đồng và tính đến chuyện xã hội hóa trong khai thác Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Câu chuyện này sẽ còn được cân nhắc bởi giá trị khai thác của Mỹ Sơn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và thúc đẩy công nghiệp văn hóa là một trong các lời giải cho vấn đề.
Với Hội An, PGS-TS.Đặng Văn Bài khuyến nghị, rất cần thiết lập quy hoạch tổng thể có tính chiến lược; trong đó có sự gắn kết giữa hai mục tiêu lớn là bảo tồn di sản văn hóa (vốn văn hóa) để đem lại sức sống cho di sản và phát triển du lịch di sản – ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo của Hội An.
Trong đó cần bám sát định hướng chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Minh Toàn – Tổng Giám đốc Vietfest khuyến nghị, cần xác định được các ngành mũi nhọn cho quốc gia và từng địa phương dựa trên thế mạnh nội tại và xu hướng quốc tế. Tránh đầu tư dàn trải và phong trào, chỉ phục vụ cho một số mục tiêu hoặc thị trường nhỏ. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và cơ chế bảo trợ cho các doanh nghiệp và nhà sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó xúc tiến thành lập các tổ hợp/khu công nghiệp sáng tạo và các vườn ươm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm văn hóa kỹ thuật số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích các nhà sáng tạo.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thuc-day-cong-nghiep-van-hoa-co-hoi-nao-cho-quang-nam-3147168.html