Giảm sức hút dòng vốn FDI
Không có thay đổi đáng kể nào từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung khi hy vọng dòng vốn đầu tư FDI sẽ dịch chuyển về Việt Nam (trong đó có Quảng Nam) đã không thể thành hiện thực.
Không thiếu cơ chế, chính sách; rất nhiều cuộc xúc tiến tại các diễn đàn, hội nghị, thị trường quốc tế. Tuy nhiên, kết quả thu hút dự án đầu tư FDI của địa phương vẫn chưa như mong đợi. Số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI đến Quảng Nam đang có xu hướng giảm dần các năm gần đây.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, năm 2020, Quảng Nam thu hút được 10 dự án FDI thì năm 2021 chỉ thu hút 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 15,2 triệu USD. Số lượng dự án FDI cấp mới giảm 30%, nhưng tổng vốn đăng ký đã giảm đến 60%.
Tình trạng suy giảm này cũng dễ hiểu. Đại dịch COVID-19 kéo theo sự giãn cách xã hội kéo dài trong 2 năm (2020 & 2021) đã khiến việc kết nối với các cơ quan đầu tư, đại sứ quán các nước hoặc tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư không thể thực hiện.
Tuy nhiên, điều khá “bất ngờ” khi đại dịch chấm dứt, thu hút đầu tư FDI cũng không thể khả quan hơn, dù không thiếu các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo đầu tư quốc tế.
Kết quả năm 2022 chỉ thu hút được 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 68,24 triệu USD. Năm 2023 có thêm 4 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đầu tư 58,58 triệu USD, nhưng lại có đến 5 dự án phải rời bỏ thị trường.
Dấu hiệu khởi sắc có thể nhìn thấy trong 9 tháng đầu năm 2024 khi đã có 8 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký khoảng 126,6 triệu USD, đưa con số dự án FDI còn hiệu lực lên 199 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 6,2 tỷ USD.
Theo phân tích của Sở Tài chính, suy thoái kinh tế do đại dịch, áp lực lạm phát, tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng sản xuất gián đoạn… đã dẫn đến các nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng để tránh rủi ro.
Thiếu hạ tầng xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp đang triển khai; bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn dẫn đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc tạo mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể, cũng ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư.
Ngoài ra, theo bà Phan Thị Thanh Thảo – Phó Giám đốc Sở Tài chính, việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) khởi xướng cũng ảnh hưởng nhiều đến sức hút các dòng vốn FDI.
Các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trên thế giới đang thận trọng và cân nhắc trong việc lựa chọn các quốc gia để đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Chất lượng hơn số lượng
FDI vẫn luôn được coi là một trong những động cơ quan trọng của cỗ xe tăng trưởng quốc gia hay địa phương. Vì thế không khó hiểu FDI giờ đây trở thành một động năng giúp cho nền kinh tế phục hồi. Làm sao để kích động cơ này hoạt động nhanh, mạnh, hiệu quả hơn vẫn là chuyện đang luận bàn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thừa nhận thu hút FDI chưa như kỳ vọng. Tập đoàn Karcher (Đức) khánh thành nhà máy hồi tháng 7/2024 là một trong những tín hiệu đáng mừng, nhưng chừng ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tuy nhiên, không gian đầu tư vào Quảng Nam rất rộng mở. Nhiều nhà đầu tư đã có nguyện vọng khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án lớn, chất lượng vào địa phương.
Những cái tên được trao giấy phép, khảo sát đầu tư được công bố như: Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch (500 tỷ đồng) của Công ty Karcher Beteiligungs – GMBH (Cộng hòa Liên bang Đức), nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng (820 tỷ đồng) của Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Ức Thịnh (Trung Hoa), nhà máy nam châm từ tính (1.920 tỷ đồng) của Công ty Star Group Industrial (Hàn Quốc) hay dự án sản xuất thiết bị âm thanh (960 tỷ đồng) của Công ty Guoguang Electric (Trung Hoa) mở đường cho thời kỳ mới của chất lượng các dự án FDI.
Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay đây là những dự án quan trọng, việc cụ thể hóa, hiện thực hóa quy hoạch sẽ là tín hiệu tốt để Quảng Nam mời gọi thêm các nhà đầu tư FDI chất lượng.
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn đang có nhu cầu đầu tư vào địa phương. UBND tỉnh đang xem xét, thẩm định dự án có đảm bảo đủ các điều kiện để có thể cấp phép đầu tư.
Thu hút FDI giữa các địa phương trong vùng đang trở thành cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Quan điểm của Quảng Nam là không đợi nhà đầu tư tìm đến.
Địa phương sẽ đưa ra những dự án cơ hội cụ thể. Mở rộng năng lực hấp thụ dự án bằng những cơ chế, chính sách thích hợp, thuận lợi, chủ động tìm kiếm, săn nhà đầu tư, dự án chất lượng ngay tại đại bản doanh của họ.
“Sẽ thu hút FDI thiên về chất hơn số lượng. Chính quyền sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đầu đàn, chủ động đưa ra các dự án cơ hội đủ mạnh, xác định những nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ, thông qua thẩm định của các cơ quan chuyên ngành, cử người trực tiếp đến gặp gỡ, tìm kiếm được nhà đầu tư thực thụ.
Các dự án đầu tư tạo tăng trưởng, nguồn thu nhưng phải bảo đảm môi trường với công nghệ tân tiến. Quảng Nam sẵn sàng loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh” – ông Bửu nói.
Kiểm soát chất lượng dự án FDI
Không thể phủ nhận vai trò của FDI nhưng hệ lụy cũng không hề nhỏ nếu nhìn vào thực tế đầu tư tại địa phương.
Nhìn vào số đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI khó có thể nói đây là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính từng chia sẻ, tỉnh có gần 200 doanh nghiệp FDI, nhưng đóng góp mỗi năm chỉ 1.200 tỷ đồng là một con số quá ít.
Khu vực doanh nghiệp này sử dụng nguồn lực của địa phương quá lớn, nhưng số doanh nghiệp có lỗ lũy kế luôn tăng qua các năm. Sự đóng góp ngân sách và cho nền kinh tế chưa tương xứng với nguồn lực địa phương đã dành cho doanh nghiệp FDI.
TS.Trần Đình Thiên (chuyên gia kinh tế) cho rằng, FDI chủ yếu đóng vai trò là công cụ thực hiện mô hình tăng trưởng, hướng đến tốc độ GDP, chưa ưu tiên cho chiến lược cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Ông đã từng ngạc nhiên khi doanh nghiệp FDI khai lỗ triền miên, nhưng không mấy nhà đầu tư FDI bỏ đi?
Lịch sử thu hút đầu tư của địa phương luôn cho thấy FDI vẫn là lực hấp dẫn khó cưỡng, dẫn đến việc chạy theo số lượng nên đã tự “làm khó mình” khi đưa ra mức ưu đãi đầu tư quá hấp dẫn. Cơ quan quản lý đầu tư xác nhận khó có một thống kê cụ thể về số lượng các dự án chậm hoặc chưa giải ngân và số vốn thực hiện của các dự án đầu tư ít được nhắc tới.
Các cơ quan quản lý dễ dãi thẩm tra dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư, dễ dàng cấp phép. Kết quả một số dự án không thể triển khai vì nhà đầu tư không đủ năng lực, đất đai bị găm trong các dự án ảo nhiều năm. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho địa phương từ FDI không tương xứng với giá trị nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi.
Chọn được con đường thu hút FDI hướng về chất lượng đã quan trọng. Nhưng quan trọng trả lời cho được câu hỏi: nếu sau này, các nhà đầu tư nước ngoài rút về nước vì một lý do nào đó – một điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, thì liệu Quảng Nam có thể duy trì hoạt động của các cơ sở này ở mức độ nào đó nhằm tiếp tục giữ việc làm cho người lao động, bảo đảm ổn định xã hội?
Lịch sử thu hút đầu tư đã chứng minh rằng, vốn, thị trường, quá trình chuyển giao công nghệ như mong đợi đã chưa xảy ra. FDI mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp nhân công cho hoạt động gia công giá rẻ và cho thuê mặt bằng là chính.
Quảng Nam vẫn rất cần nguồn lực từ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền cần kiểm soát chất lượng doanh nghiệp, không chỉ đáp ứng yêu cầu trong việc thu hút mà còn phải loại bỏ doanh nghiệp FDI không đáp ứng yêu cầu đầu tư…
TÂM CA
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thu-hut-fdi-quang-nam-huong-ve-chat-luong-3141741.html