Từ câu chuyện bia đá mở đường
Đó là một tấm bia hình trụ vuông bằng đá sa thạch khắc chữ Hán, có chiều cao khoảng 70cm, nằm ven đường nối Vĩnh Điện và Hội An. Tấm bia đặt trên địa phận làng Thanh Hà, ghi lại việc mở đường từ thời Minh Mạng.
Thời gian bào mòn, chữ Hán khắc trên bia đã bị mờ, các góc cạnh cũng đã bị sứt mẻ, phong hóa. Tuy nhiên, đa số chữ trên bia vẫn còn khá nguyên vẹn do được khắc sâu, rõ nét.
Ai đó ở đây đã đặt thêm một chiếc nồi hương, bình hoa và dĩa bánh, trồng thêm khóm trúc, bên cạnh là khuôn viên được lát gạch đất nung tỉ mỉ. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ liên tưởng đến một ngôi mộ cổ linh thiêng, nhuốm màu ma mị.
Cách đó chừng vài mét, có một tấm bia khác hình chữ nhật nho nhỏ bằng đá granite trắng xám, giải thích các nội dung trên bia đá cũ. Tiếc là, tấm bia này nằm lẻ loi bên vệ đường với những dòng chữ nhạt nhòa, rất khó đọc do lớp sơn chữ khắc trên tấm đá bị bong tróc, bám đầy rêu. Khó khăn lắm tôi mới chép lại nội dung:
“Bia đá này được lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (năm 1824) ghi lại sự kiện mở đường từ Vĩnh Điện qua phố Hội An đến Cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay).
Dịch nghĩa chữ Hán trong bia như sau: “Ngày tháng 5, năm Minh Mạng thứ 5, vâng lệnh đắp đường mới về phía đông một ngàn ba trăm bốn bốn tầm bốn thước đến phố chợ Hội An, hai ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tầm đến cửa biển Đại Chiêm.
Đường về phía tây hai ngàn một trăm mười hai tầm ba thước năm tấc đến dinh thành, nối đường làng, một ngàn tám trăm tám mươi tầm đến cửa sông Vĩnh Điện”.
Trong bia có ghi đơn vị “tầm”. Theo chú thích của dịch giả Phan Đăng, thì sách “Từ Nguyên” giải thích 1 tầm bằng 8 thước (tương đương 6 feet của Anh), tức bằng 1,825m.
Từ tấm bia đá, người dân và du khách có thể hiểu thêm về quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trong quá khứ ở Việt Nam lẫn sự tỉ mỉ của tiền nhân để lại cho hậu thế.
Tấm bia cũng có thể giúp cho hậu thế hiểu được chính sách hướng Đông, bám biển của các vua nhà Nguyễn, thông qua việc mở đường nối với cửa biển Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay). Đó là tầm nhìn xa, có chiến lược để phát huy được giá trị của thương cảng Hội An trên bến dưới thuyền sầm uất thời bấy giờ.
Tính toán số hóa di tích
Xung quanh tuyến đường này cũng có một số ngôi đình làng cổ kính như Miếu Tổ Nam Diêu – một quần thể gồm ba căn nhà thờ nằm cạnh nhau, dưới tán cây sanh cổ kính, sát mé sông Thu.
Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài không thấy biển chỉ dẫn hoặc thông tin về ngôi miếu. Cuối con đường bê tông về phía làng gốm Thanh Hà, còn có ngôi đình cổ kính nữa nằm sau một “cụ” sanh già nua khác. Đó là đình Bộc Thủy. Bản thông tin được gắn sơ sài trên mảng tường đã loang lổ vết thời gian.
Một vị khách du lịch người Pháp đạp xe xuôi từ Vĩnh Điện – Hội An, đi theo con đường dẫn đến ngôi đình. Ông dừng lại, lấy điện thoại ra chụp, bước vào đình nhìn tấm bảng thông tin, rồi lắc đầu bỏ đi.
Ước chi mấy tấm bia đó được ai đó quét sơn trở lại, ghi thêm chú thích bằng tiếng nước ngoài để khách du lịch trong hành trình đạp xe xuôi ngược có thể hiểu thêm quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng của địa phương.
Du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm du lịch chính ở Quảng Nam. Tuy nhiên, lâu nay, du khách nghe câu chuyện kể về vùng đất, phong tục… người Quảng Nam thường thông qua đội ngũ hướng dẫn viên, qua sách du lịch của Lonely Planet, hoặc qua thông tin ít ỏi được in trên bảng hướng dẫn mờ nhạt đặt ở một số di tích văn hóa, lịch sử.
Gần đây, khu đền tháp Mỹ Sơn đã đưa vào hệ thống thuyết minh tự động, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Từ thành công của Mỹ Sơn, ngành văn hóa – du lịch chủ trương đẩy mạnh việc số hóa di tích, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di tích.
Trước mắt, hệ thống thuyết minh tự động sẽ được xây dựng ở các di tích, thông qua tạo các mã QR gắn trên di tích để du khách có thể quét và nghe, tìm hiểu thêm về lịch sử văn hóa địa phương thông qua điện thoại thông minh.
Dự kiến trong tháng 5/2024, ngành du lịch sẽ triển khai công bố thí điểm một số di tích có hệ thống thuyết minh tự động trong tổng số 458 di tích lịch sử, văn hóa trên toàn tỉnh.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân đứt gãy các tuyến du lịch kết nối từ trung tâm du lịch lớn của tỉnh với các địa phương, hoặc các địa phương với nhau là do thiếu liên kết trong câu chuyện văn hóa – lịch sử để hình thành câu chuyện của du lịch.
Có thể làm nên những câu chuyện du lịch sống động bằng những hoạt động trải nghiệm cho du khách ở những làng nghề hoặc thông qua hoạt động, mua sắm, ẩm thực. Một khi du khách hiểu thêm về tập quán, tín ngưỡng, câu chuyện vùng đất, lúc đó du lịch không chỉ là đến xem, nhìn những “lò gạch” mà nghe câu chuyện của “lò gạch” – như lời của một nghệ nhân.
Làng Đông Khương (Điện Bàn) mới đây tổ chức đêm hát tuồng, vẽ mặt nạ, nặn đất sét, thu hút nhiều du khách nước ngoài ở lại tận khuya để thưởng lãm. Dẫu loại hình nghệ thuật truyền thống này rất khó hiểu với họ.
Điều này cho thấy rằng, nếu tổ chức tốt việc cung cấp thông tin, hoặc du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, thì du lịch Quảng Nam sẽ không chỉ quanh quẩn ở Hội An nữa!